Các khoản trợ cấp theo chính sách thôi việc ngay với cán bộ, công chức và viên chức theo Nghị định 29/2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
09/07/2024 12:00 PM

Sau đây là các khoản trợ cấp theo chính sách thôi việc ngay với cán bộ, công chức và viên chức.

Các khoản trợ cấp theo chính sách thôi việc ngay với cán bộ, công chức và viên chức theo Nghị định 29/2023

Các khoản trợ cấp theo chính sách thôi việc ngay với cán bộ, công chức và viên chức theo Nghị định 29/2023 (Hình từ Internet)

1. Các khoản trợ cấp theo chính sách thôi việc ngay với cán bộ, công chức và viên chức theo Nghị định 29/2023

Theo Điều 7 Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định về chính sách thôi việc ngay trong tinh giản biên chế như sau:

(1) Chính sách thôi việc ngay

Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 5 Nghị định 29/2023/NĐ-CP nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:

Phụ lục I, Phụ lục II

- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;

- Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

(2) Chính sách thôi việc sau khi đi học nghề

Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, tổ chức, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:

- Được hưởng nguyên tiền lương hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 06 tháng;

- Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng mức lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;

- Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;

- Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;

- Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên công tác để nâng bậc lương thường xuyên hàng năm.

(3) Các đối tượng thôi việc quy định tại (1) và (2) được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp số bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014; không được hưởng chính sách thôi việc đối với công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo chính sách thôi việc ngay và thôi việc sau khi đi học nghề thì đối tượng  tinh giản biên chế được hưởng các khoản trợ cấp như sau:

- Đối với chính sách thôi việc ngay:

+ Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;

+ Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Đối với chính sách thôi việc sau khi đi học nghề:

+ Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng mức lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;

+ Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;

+ Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

2. Cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế

Cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế theo Điều 10 Nghị định 29/2023/NĐ-CP như sau:

- Tiền lương hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi tinh giản biên chế. Tiền lương tháng được tính bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận của hợp đồng lao động hoặc mức lương của người quản lý công ty; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, tiền lương và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương.

- Tiền lương bình quân là tiền lương tháng bình quân của 05 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản biên chế. Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 05 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác có đóng bảo hiểm xã hội, thì tiền lương tháng bình quân của toàn bộ thời gian công tác.

- Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không xác định ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh của đối tượng.

- Thời gian để tính trợ cấp quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Nghị định 29/2023/NĐ-CP là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo số bảo hiểm xã hội của mỗi người) nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ. Nếu tổng thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 1/2 năm và được hưởng trợ cấp bằng mức trợ cấp của 1/2 năm; từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.

- Thời gian để tính trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 5, Điều 8 Nghị định 29/2023/NĐ-CP nếu có số tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 1/2 năm và được hưởng trợ cấp bằng mức trợ cấp của 1/2 năm; từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 36

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn