Mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước theo Nghị định 98/2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
19/06/2024 13:45 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước theo định mới nhất.

Mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước theo Nghị định 98/2023 (Hình từ internet)

1. Danh hiệu vinh dự nhà nước gồm những danh hiệu gì?

Theo điểm b khoản 1 Điều 24 Nghị định 98/2023/NĐ-CP quy định danh hiệu vinh dự nhà nước gồm: “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”; “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; “Anh hùng Lao động”; “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”; “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”; “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

2. Mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước theo Nghị định 98/2023

Theo Điều 56 Nghị định 98/2023/NĐ-CP quy định mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước như sau:

- Bà mẹ được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tặng Huy hiệu, Hộp đựng Huy hiệu, Bằng danh hiệu, khung và được kèm theo mức tiền 15,5 lần mức lương cơ sở.

- Cá nhân được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” được tặng Bằng, khung, Huy hiệu, Hộp đựng Huy hiệu và được thưởng 15,5 lần mức lương cơ sở.

Tập thể được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” được tặng Cờ, Bằng, khung, Huy hiệu, Hộp đựng Huy hiệu và kèm theo mức tiền thưởng gấp hai lần mức tiền thưởng đối với cá nhân.

- Cá nhân được tặng danh hiệu: “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được tặng thưởng Huy hiệu, Hộp đựng Huy hiệu, Bằng khen, khung và mức tiền thưởng đối với danh hiệu “nhân dân” là: 12,5 lần mức lương cơ sở; danh hiệu “ưu tú” là 9,0 lần mức lương cơ sở.

3. Quy định về lấy ý kiến để khen thưởng

(1) Việc lấy ý kiến để khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước quy định tại khoản 3, Điều 84 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và quy định của cấp có thẩm quyền do bộ, ban, ngành, tỉnh trình khen thưởng thực hiện theo quy định từ khoản (2) đến khoản (4) dưới đây.

(2) Khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương có tư cách pháp nhân thuộc cấp quản lý trực tiếp của bộ, ban, ngành, đoàn thể trung trong đóng trên địa bàn địa phương, phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung:

- Việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết quả hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể (nếu tổ chức đảng, đoàn thể sinh hoạt tại địa phương);

- Thực hiện chế độ bảo hiểm cho công nhân, người lao động; đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm (đối với đơn vị sản xuất, kinh doanh);

- Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải lấy ý kiến để khen thưởng: “Cờ thi đua của Chính phủ”, huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.

(3) Khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cá nhân là cấp trưởng của đơn vị cùng cấp, phải lấy ý kiến của bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về nội dung:

- Kết quả tham mưu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao (đối với tập thể): Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao (đối với cá nhân) trong thời gian tính thành tích đề nghị khen thưởng;

- Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải lấy ý kiến để khen thưởng: “Cờ thi đua của Chính phủ”, huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.

(4) Khen thưởng đối ngoại phải xin ý kiến của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

(5) Bộ Nội vụ thực hiện việc xin ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ để khen thưởng đối với tập thể là bộ, ban, ngành, tỉnh; xin ý kiến Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ về chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để khen thưởng đối với tổ chức kinh tế, cá nhân là người đại diện pháp luật của tổ chức kinh tế; việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để khen thưởng đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thực hiện theo quy định của Đảng.

(6) Khi nhận được văn bản xin ý kiến về việc khen thưởng của bộ, ban, ngành tỉnh hoặc Bộ Nội vụ, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị (tính theo dấu bưu điện), cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đúng thời gian quy định. Thủ trưởng cơ quan được xin ý kiến khen thưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật về thời gian trả lời văn bản và nội dung được xin ý kiến.

Trường hợp Bộ Nội vụ xin ý kiến mà cơ quan chức năng không cho ý kiến thì Bộ Nội vụ trình khen thưởng theo quy định.

(7) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến thống nhất hoặc đồng ý của cơ quan chức năng, Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.

(Điều 31 Nghị định 98/2023/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,366

Bài viết về

Thi đua khen thưởng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn