Thủ tục hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
23/05/2024 14:45 PM

Xin hỏi thủ tục huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch tại Việt Nam được diễn ra như thế nào? - Hồng Cẩm (Cà Mau)

Thủ tục hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Thủ tục hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Căn cứ hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Theo Điều 33 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định các căn cứ huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam như sau:

- Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cố ý khai báo không đúng sự thật hoặc giả mạo giấy tờ khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam có thể bị hủy bỏ, nếu được cấp chưa quá 5 năm.

- Việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của vợ hoặc chồng không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của người kia.

2. Thủ tục hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Tại Điều 34 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định về trình tự, thủ tục huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam như sau:

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được đơn, thư tố cáo về hành vi quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh, nếu có đầy đủ căn cứ thì lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó.

Tòa án đã xét xử đối với bị cáo có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó.

Chính phủ quy định cụ thể các giấy tờ trong hồ sơ kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

- Hồ sơ kiến nghị về việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam được gửi đến Bộ Tư pháp.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của Tòa án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

3. Quy định về người có quốc tịch Việt Nam

Tại Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam 2014) quy định về người có quốc tịch Việt Nam như sau:

- Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 642

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]