Nội dung kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
01/03/2024 09:41 AM

Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án gồm những nội dung nào? – Phúc Hải (Bình Dương)

Nội dung kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án

Nội dung kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thời hạn lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án

- Căn cứ quy mô, tính chất công tác đấu thầu của dự án, chủ đầu tư hoặc cơ quan chuẩn bị dự án có thể trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.

- Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được lập đồng thời hoặc độc lập với báo cáo nghiên cứu khả thi và được phê duyệt sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

(Khoản 1, 2 Điều 36 Luật Đấu thầu 2023)

2. Nội dung kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án

Nội dung kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án được quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, bao gồm:

(1) Phân tích bối cảnh thực hiện dự án: Xác định yêu cầu cụ thể, mục tiêu của dự án, phân tích các yếu tố trong bối cảnh thực hiện dự án có thể tác động tới hoạt động đấu thầu; mức độ sẵn sàng dự thầu của nhà thầu; các yếu tố bao gồm: quy định của pháp luật, các yếu tố về kinh tế, xã hội, công nghệ, đấu thầu bền vững và các yếu tố khác.

(2) Đánh giá năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm thực hiện của chủ đầu tư: Việc đánh giá năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm để thực hiện hoạt động đấu thầu bao gồm:

- Năng lực để thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu từ bước lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu (nếu có) đến quản lý hợp đồng;

- Kết quả thực hiện công tác đấu thầu của chủ đầu tư thông qua các chỉ tiêu:

+ Tỷ lệ tiết kiệm trung bình;

+ Số lượng nhà thầu trung bình tham gia đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường, tỷ lệ gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường chỉ có 01 nhà thầu tham dự trên tổng số gói thầu;

+ Tỷ lệ gói thầu có kiến nghị về hồ sơ mời thầu;

+ Tỷ lệ gói thầu có kiến nghị về các nội dung khác trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu;

+ Số lần không trả lời yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu, không trả lời kiến nghị về hồ sơ mời thầu, các nội dung khác trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu của nhà thầu;

+ Các chỉ tiêu khác (nếu có);

- Kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự, việc xử lý kiến nghị trong lựa chọn nhà thầu, khiếu nại, tố cáo;

- Các yếu tố khác.

(3) Phân tích, tham vấn thị trường:

- Phân tích, tham vấn thị trường bao gồm việc đánh giá rủi ro và cơ hội về thị trường đối với hình thức lựa chọn nhà thầu đang xem xét; khả năng tham dự của nhà thầu; thị trường hàng hóa, dịch vụ có khả năng cung cấp cho dự án; xu thế của thị trường trong thời gian thực hiện dự án.

Căn cứ vào quy mô, tính chất gói thầu, việc phân tích, tham vấn thị trường bao gồm thông tin về:

+ Mức độ sẵn có của hàng hóa, dịch vụ thuộc gói thầu trên thị trường;

+ Các chi phí có thể phát sinh trong trường hợp cần áp dụng giải pháp đổi mới, sáng tạo;

+ Nội dung điều khoản bảo hành, loại hợp đồng thường áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ tương tự của các chủ đầu tư khác;

+ Quy định của pháp luật (nếu có) đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc gói thầu;

+ Khả năng áp dụng đấu thầu bền vững, mua sắm các dịch vụ thân thiện môi trường, thông tin về các hàng hóa, dịch vụ có sử dụng nguyên vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng;

+ Khả năng tham dự thầu của nhà thầu tiềm năng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là thương binh, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; phân tích chuỗi cung ứng (khả năng cung cấp vật tư, vật liệu, hàng hóa, dịch vụ cho việc thực hiện hợp đồng);

+ Khả năng tổ chức lựa chọn nhà thầu mà chỉ cho phép hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được chào thầu theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10 và khoản 1 Điều 56 Luật Đấu thầu 2023 và các thông tin cần thiết khác;

- Việc tham vấn thị trường được thực hiện theo một hoặc các cách thức sau:

+ Tham khảo các kết quả tham vấn thị trường gần nhất đối với hàng hóa, dịch vụ tương tự;

+ Đăng tải câu hỏi tham vấn thị trường trên các phương tiện thông tin phù hợp;

+ Nghiên cứu catalô và tài liệu giới thiệu sản phẩm của hãng sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối, đại lý;

+ Tham khảo kinh nghiệm của chủ đầu tư khác đã tiến hành tham vấn thị trường, tham vấn kết quả tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ tương tự;

+ Tổ chức hội nghị tham vấn thị trường với các nhà thầu tiềm năng trên cơ sở công khai, minh bạch;

+ Tổ chức khảo sát thông tin từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh;

+ Tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan, các báo in, tạp chí, ấn phẩm phân tích thị trường chuyên ngành, thông tin trên Internet và các hình thức phù hợp khác;

- Chủ đầu tư có thể thuê tư vấn nghiên cứu phân tích thị trường, sử dụng ý kiến tư vấn của các chuyên gia hoặc cơ quan chức năng độc lập hoặc của các doanh nghiệp trên thị trường trong việc lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng và minh bạch;

- Trường hợp không lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư có thể tiến hành phân tích, tham vấn thị trường để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

(4) Xác định, quản lý rủi ro trong đấu thầu:

- Phân tích các rủi ro chính liên quan tới môi trường hoạt động, điều kiện thị trường, năng lực của tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu và mức độ phức tạp của hoạt động đấu thầu;

- Đánh giá khả năng xảy ra và tác động của mỗi rủi ro đối với công tác đấu thầu của dự án;

- Xây dựng kế hoạch quản lý và giảm thiểu rủi ro trong công tác đấu thầu của dự án thông qua việc áp dụng hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá, điều kiện hợp đồng phù hợp.

(5) Mục tiêu cụ thể của hoạt động đấu thầu: Xác định mục tiêu cụ thể của hoạt động đấu thầu (bao gồm các mục tiêu cụ thể về đấu thầu bền vững, nếu áp dụng) bảo đảm mục tiêu tổng quát của dự án.

(6) Kế hoạch về tiến độ thực hiện các công việc chính, gói thầu: Xây dựng tiến độ tổng thể để thực hiện các công việc chính, gói thầu phù hợp với tiến độ thực hiện đầu tư dự án.

(7) Quản lý công tác lựa chọn nhà thầu:

- Phân chia gói thầu: việc phân chia gói thầu căn cứ theo quy mô, tính chất các công việc thuộc dự án, theo tiến độ thực hiện dự án và căn cứ kết quả phân tích, tham vấn thị trường; xác định số lượng gói thầu và phạm vi công việc của mỗi gói thầu, xác định các gói thầu chia thành nhiều phần;

- Hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu: xác định hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu phù hợp đối với từng gói thầu thuộc dự án, trong đó nêu rõ gói thầu có áp dụng mua sắm tập trung không, có áp dụng lựa chọn danh sách ngắn không, trong nước hay quốc tế;

- Loại hợp đồng: xác định loại hợp đồng phù hợp với từng gói thầu;

- Nội dung cần lưu ý trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, quản lý thực hiện hợp đồng (nếu có).

3. Hướng dẫn thẩm định và phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án

Xem chi tiết Hướng dẫn thẩm định và phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án TẠI ĐÂY

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,079

Bài viết về

lĩnh vực Đấu thầu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]