Căn cứ Điều 9 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng như sau:
- Tổ chức tín dụng quy định lãi suất tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất trong từng thời kỳ.
- Phương pháp tính lãi tiền gửi tiết kiệm thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Phương thức trả lãi tiền gửi tiết kiệm thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền.
Quy định tính lãi tiết kiệm ngân hàng mới nhất (Hình từ internet)
Nguyên tắc tính lãi tiết kiệm ngân hàng thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2017/TT-NHNN như sau:
(1) Lãi suất tính lãi: được quy đổi theo tỷ lệ %/năm (lãi suất năm); một năm là 365 ngày.
Thời gian sử dụng để quy đổi mức lãi suất tính lãi theo tỷ lệ %/tháng, %/tuần, %/giờ sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày; quy đổi mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/năm và ngược lại được tính như sau:
- Một năm là 365 ngày;
- Một tháng là 30 ngày;
- Một tuần là 7 ngày;
- Một ngày là 24 giờ.
(2) Đối với khoản tiền gửi có thời hạn từ một ngày trở lên:
Tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi theo một trong hai cách sau:
- Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
- Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán hết khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
(3) Đối với khoản tiền gửi mà thời hạn tính từ khi nhận tiền gửi đến khi thanh toán hết khoản tiền gửi dưới một ngày: Tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi được tính từ khi nhận tiền gửi đến khi thanh toán hết khoản tiền gửi, nhưng không được vượt quá một ngày.
(4) Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp với quy định của pháp luật về nhận tiền gửi và quy định tại Thông tư 14/2017/TT-NHNN.
Phương pháp tính lãi tiết kiệm ngân hàng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 14/2017/TT-NHNN:
(i) Yếu tố tính lãi:
- Thời hạn tính lãi: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
- Số dư thực tế: Là số dư đầu ngày tính lãi của số dư tiền gửi mà bên nhận tiền gửi còn phải trả cho bên gửi tiền được sử dụng để tính lãi theo thỏa thuận và quy định của pháp luật về nhận tiền gửi.
- Số ngày duy trì số dư thực tế: Là số ngày mà số dư thực tế đầu mỗi ngày không thay đổi.
- Lãi suất tính lãi: Được tính theo tỷ lệ %/năm theo quy định tại điểm (1).
(ii) Công thức tính lãi:
Số tiền lãi của từng kỳ tính lãi được xác định như sau:
- Số tiền lãi của một ngày được tính toán như sau:
Số tiền lãi ngày = (Số dư thực tế x Lãi suất tính lãi) : 365
Số tiền lãi của kỳ tính lãi bằng (=) tổng số tiền lãi ngày của toàn bộ các ngày trong kỳ tính lãi.
- Đối với các khoản tiền gửi có thời gian duy trì số dư thực tế nhiều hơn một (01) ngày trong kỳ tính lãi, được sử dụng công thức rút gọn sau để tính lãi:
Số tiền lãi = [ ∑ ( Số dư thực tế x số ngày duy trì số dư thực tế x Lãi suất tính lãi) ] : 365