Một số lưu ý khi treo Quốc kỳ vào dịp Tết Nguyên đán

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
05/02/2024 10:42 AM

Cho tôi hỏi vào dịp Tết Nguyên đán thì việc treo Quốc kỳ cần lưu ý những quy định như thế nào? - Thùy Lam (Bến Tre)

Một số lưu ý khi treo Quốc kỳ vào dịp Tết Nguyên đán

Một số lưu ý khi treo Quốc kỳ vào dịp Tết Nguyên đán (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khi nào treo Quốc kỳ?

Theo Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL năm 2012 thì thời gian treo Quốc kỳ như sau:

- Quốc kỳ được treo trong các phòng họp, hội trường của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước và các đoàn thể khi họp những buổi họp long trọng.

- Quốc kỳ được treo ngoài trời vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, tết cổ truyền của dân tộc và theo thông báo của trung ương và chính quyền địa phương.

Trong đó, các ngày lễ lớn trong nước theo Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP bao gồm:

(1) Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).

(2) Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930).

(3) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch).

(4) Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

(5) Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954).

(6) Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890).

(7) Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945).

- Quốc kỳ được treo hoặc mang đi ở những nơi tổ chức mít tinh, diễu hành, động viên quần chúng, phát động thi đua sản xuất, thực hiện các phong trào cách mạng.

- Các cơ quan Nhà nước, các nhà trường (kể cả học viện), các đơn vị vũ trang, các cửa khẩu biên giới, các cảng quốc tế phải có cột cờ và treo Quốc kỳ trước công sở, hoặc nơi trang trọng trước cửa cơ quan, Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc đã được Hiến pháp quy định.

- Trụ sở Phủ Chủ tịch, trụ sở Quốc hội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, Cột cờ Hà Nội, trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp (trừ Ủy ban nhân dân phường ở thành phố, thị xã), các cửa khẩu và cảng quốc tế treo Quốc kỳ 24/24 giờ hàng ngày.

- Trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các đơn vị vũ trang, nhà trường treo Quốc kỳ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày.

- Tất cả các cơ quan và đơn vị nói trên, đặc biệt là các cơ quan đối ngoại, khi có khách nước ngoài từ cấp Bộ trưởng trở lên đến thăm chính thức phải treo cờ quốc gia của khách cùng với Quốc kỳ.

Lưu ý: Nội dung trên chưa bao gồm việc sử dụng Quốc kỳ vào việc tang lễ.

2. Một số lưu ý khi treo Quốc kỳ vào dịp Tết Nguyên đán

Một số lưu ý khi treo Quốc kỳ vào dịp Tết Nguyên đán theo Điều lệ 974-TTg ngày 21/07/1956 và Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL năm 2012 như sau:

- Được treo Quốc kỳ ngoài nhà, ngoài trời vào dịp Tết Nguyên đán.

- Khi treo Quốc kỳ thì phải chú ý đừng để ngược ngôi sao.

- Treo Quốc kỳ ta với Quốc kỳ một nước khác: người đứng đằng trước nhìn vào thì cờ của ta ở bên tay phải, cờ nước ngoài ở bên tay trái.

- Khi cần treo Quốc kỳ của ta và Quốc kỳ nhiều nước khác thì sẽ có chỉ thị riêng của Chính Phủ định rõ thứ tự xếp đặt các cờ.

- Khi treo cờ của ta và cờ các nước khác, thì các cờ phải làm đúng biểu mẫu, làm bằng nhau và treo đều nhau, không treo lá to lá nhỏ, lá cao lá thấp.

- Treo ảnh, chân dung lãnh tụ cùng với Quốc kỳ thì ảnh phải thấp hơn Quốc kỳ hoặc để ảnh trên nền Quốc kỳ dưới ngôi sao.

3. Cách treo Quốc kỳ Việt Nam với cờ các nước khác

Cách treo Quốc kỳ Việt Nam với cờ các nước khác theo Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL năm 2012 như sau:

- Quốc kỳ được sử dụng theo nhiều cách thức khác nhau. Thông thường có hai cách. Cách thứ nhất là treo cờ chính thức như một cách thể hiện sự trọng thị, tôn trọng và bình đẳng quốc gia. Cách thứ hai là sử dụng cách điệu Quốc kỳ như một cách trang trí tạo không khí ngày hội

- Nếu treo Quốc kỳ hai nước, quy định lễ tân ngoại giao của mỗi nước có thể có khác nhau. Phần lớn các nước quy định, nếu đứng từ ngoài nhìn vào, cờ nước chủ nhà bên phía tay phải, cờ nước khách bên phía trái.

- Treo cờ nhiều nước và hàng cờ theo hàng ngang, vị trí cho cờ đầu tiên, nếu đứng từ ngoài nhìn vào hàng cờ, có thể sắp xếp như sau:

+ Bắt đầu từ bên trái sang

+ Bắt đầu từ giữa trở ra hai bên, theo thứ tự bên trái, bên phải. Đây là cách thông thường trong lễ tân ngoại giao treo cờ nhiều nước cùng cờ của nước chủ nhà, cờ nước chủ nhà thường nằm ở vị trí trung tâm.

- Treo Quốc kỳ của nước ta với Quốc kỳ của nước khác: các cờ phải làm đúng kiểu mẫu, làm bằng nhau và treo đều nhau, không treo lá to lá nhỏ, lá cao lá thấp.

- Không được treo Quốc kỳ rách, vá, bạc màu hoặc có nhiều đường xếp nếp.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,286

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]