Thương hiệu cá nhân là gì? Thương hiệu cá nhân có được pháp luật bảo hộ?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
20/12/2023 16:59 PM

Cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, việc xây dựng thương hiệu cá nhân trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vậy thương hiệu cá nhân là gì và thương hiệu cá nhân có được pháp luật bảo hộ hay không?

Thương hiệu cá nhân là gì?

Để hiểu thương hiệu cá nhân là gì, trước tiên hãy làm rõ khái niệm “thương hiệu”.

Thương hiệu được định nghĩa là một ký tự, một cái tên, thuật ngữ hoặc bất kỳ dấu hiệu giúp mọi người nhận thức về công ty, sản phẩm hoặc một cá nhân nào đó.

Từ đó có thể hiểu, thương hiệu cá nhân là tổng hợp tất cả những gì mà một cá nhân lựa chọn trình bày cho thế giới thấy như ngoại hình, tính cách, nghề nghiệp, thái độ sống, các giá trị đóng góp cho xã hội,...

Mặt khác, thương hiệu cá nhân không chỉ giới hạn ở mức độ hình ảnh và quảng cáo mà cá nhân tạo ra, mà còn liên quan đến uy tín, giá trị cá nhân, và kinh nghiệm khách hàng.

Nó là cách cá nhân xây dựng và quản lý ấn tượng của mình trong tâm trí của người khác. Điều này có thể bao gồm cả cách cá nhân tương tác trên mạng xã hội, viết blog,…

Thương hiệu cá nhân không chỉ quan trọng đối với những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn quan trọng đối với tất cả mọi người. Một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ có thể giúp bạn đạt được những mục tiêu sau của mình:

Đầu tiên là thành công trong công việc: Một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, khách hàng và đối tác.

Điều này sẽ giúp cá nhân có nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và đạt được thành công.

Hai là kết nối với những người có cùng “tần số”: Một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ sẽ giúp cá nhân thu hút những người có cùng sở thích, quan điểm và giá trị sống, từ đó giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt và có được sự hỗ trợ từ những người xung quanh.

Ba là tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng: Một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta truyền cảm hứng và truyền động lực cho những người khác.

Cách xây dựng thương hiệu cá nhân

Để xây dựng được thương hiệu cá nhân, cần thực hiện các bước sau đây:

- Xác định mục tiêu của bản thân: Muốn xây dựng thương hiệu cá nhân cho mục đích gì? Muốn đạt được những gì? Khi xác định được mục tiêu của mình, cá nhân mới có thể dễ dàng định hướng được quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân.

- Nghiên cứu đối tượng mục tiêu: Muốn xây dựng thương hiệu cá nhân với ai? Họ là những người như thế nào?

Khi hiểu rõ đối tượng mục tiêu của mình, cá nhân mới có thể dễ dàng truyền tải thông điệp của mình đến đúng người.

- Xây dựng bản sắc thương hiệu: Bản sắc thương hiệu là những gì cá nhân muốn mọi người biết về mình. Nó bao gồm những giá trị, niềm tin và sở thích của cá nhân,... giúp bạn tạo ấn tượng tốt với mọi người.

- Truyền tải được thông điệp của bản thân: Khi truyền tải thông điệp của mình một cách rõ ràng và nhất quán, bạn sẽ tạo được sự nhận diện thương hiệu.

- Xây dựng cộng đồng: Cộng đồng là một yếu tố quan trọng giúp một người phát triển thương hiệu cá nhân. Cá nhân có thể xây dựng cộng đồng của mình thông qua mạng xã hội, blog hoặc các sự kiện,...

Thương hiệu cá nhân có được pháp luật bảo hộ?

Thương hiệu cá nhân có được pháp luật bảo hộ? (Hình từ internet)

Thương hiệu cá nhân có được pháp luật bảo hộ?

Một trong những cách để thương hiệu cá nhân được pháp luật bảo hộ là làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu hiện nay được hướng dẫn tại Quyết định 3038/QĐ-BKHCN năm 2023, cụ thể như sau:

- Bước 1: Tiếp nhận đơn

Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

- Bước 2: Thẩm định hình thức đơn.

Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ/từ chối chấp nhận đơn).

+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

- Bước 3: Công bố đơn

Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

- Bước 4: Thẩm định nội dung đơn

Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

- Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,329

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn