Các trường hợp công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
03/09/2023 13:00 PM

Xin hỏi trường hợp nào được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình? Các hành vi bị nghiêm cấm trong nghĩa vụ quân sự gồm những gì? - Mạnh Hùng (Hải Phòng)

Các trường hợp công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình

Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:

- Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;

- Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;

- Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;

- Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

- Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

(Khoản 4 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (sửa đổi tại Luật Dân quân tự vệ năm 2019))

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong nghĩa vụ quân sự

Theo Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong nghĩa vụ quân sự như sau:

- Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

- Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

- Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.

- Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.

- Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.

3. Đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự

Căn cứ Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;

- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

4. Thời gian gọi công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu

- Tháng một hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm và công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự.

- Tháng tư hằng năm, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi công dân quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.

- Công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu phải trực tiếp đăng ký tại cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 15 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

(Điều 16 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,096

Bài viết về

Nghĩa vụ quân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn