THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp các giải đáp quan trọng về bảo hiểm xe máy 2023:
Căn cứ quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới theo quy định;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
- Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
- Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
- Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
- Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định về bảo hiểm bắt buộc nêu trên.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì có thể thấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại bảo hiểm bắt buộc. Trong đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 03/2021/NĐ-CP thì xe cơ giới bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng, trong đó:
- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
- Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008.
Như vậy, Căn cứ các quy định nêu trên thì có thể kết luận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy (hay trên thực tế được gọi ngắn gọn hơn là "bảo hiểm xe máy") là loại bảo hiểm bắt buộc mà chủ xe phải tham gia và mang theo khi tham gia giao thông.
Bảo hiểm xe máy 2023: Còn bắt buộc không? Mua ở đâu? Bao nhiêu tiền? (Hình từ internet)
Theo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BTC thì mức phí bảo hiểm xe máy (chưa bao gồm VAT) cụ thể như sau:
- Đối với xe máy điện hoặc xe máy dưới 50 phân khối: 55.000VNĐ/năm.
- Đối với xe máy trên 50cc: 60.000VNĐ/năm.
- Đối với xe mô tô trên 175 phân khối và các loại xe khác: 290.000VNĐ/năm.
Khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai.
Do đó, chủ xe máy cần phải mua bảo hiểm xe máy tại một trong các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (gọi chung là doanh nghiệp bảo hiểm) được phép triển khai kinh doanh bảo hiểm xe máy theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm đều có hệ thống phân phối, hệ thống đại lý cũng như hệ thống liên kết với các đơn vị hỗ trợ khác (như ngân hàng, trạm xăng,...) trải dài trên nhiều tỉnh thành trên cả nước với, đảm bảo sự thuận tiện cho chủ xe khi muốn mua bảo hiểm.
Theo đó, chủ xe máy có thể đến các địa điểm sau để mua bảo hiểm xe máy:
- Trụ sở doanh nghiệp bảo hiểm.
- Đại lý bảo hiểm...
- Ngân hàng...
- Cây xăng...
Như đã đề cập ở trên thì bảo hiểm xe máy là bắt buộc, do đó chủ xe cần phải mua bảo hiểm xe máy và mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy khi tham gia giao thông; trường hợp không mua hoặc không mang theo khi tham gia giao thông thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), cụ thể như sau:
- Mức phạt đối với xe ô tô: Trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
- Mức phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy: Trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.