Viện kiểm sát nhân dân có quyền giải quyết các khiếu nại nào trong hoạt động tư pháp?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
25/07/2023 16:02 PM

Tôi muốn hỏi trong hoạt động tư pháp thì các khiếu nại nào sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân? – Phương An (An Giang)

Viện kiểm sát nhân dân có quyền giải quyết các khiếu nại nào trong hoạt động tư pháp?

Viện kiểm sát nhân dân có quyền giải quyết các khiếu nại nào trong hoạt động tư pháp? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khiếu nại là gì?

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại 2011, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

(Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011)

2. Viện kiểm sát nhân dân có quyền giải quyết các khiếu nại nào trong hoạt động tư pháp?

Theo khoản 1 Điều 29 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại sau đây trong hoạt động tư pháp:

- Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

- Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra; kết quả giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra;

- Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

- Khiếu nại trong hoạt động tạm giữ, tạm giam;

- Khiếu nại hành vi, quyết định quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân;

- Khiếu nại khác theo quy định của pháp luật.

3. Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân

Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân được quy định như sau:

- Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm:

+ Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác được thực hiện đúng quy định của pháp luật;

+ Việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ;

+ Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh;

+ Mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

- Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; tự kiểm tra việc tiến hành hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu để Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định trong hoạt động tư pháp;

+ Trực tiếp kiểm sát; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp;

+ Xử lý vi phạm; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm;

+ Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị hành vi, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền khác trong hoạt động tư pháp;

+ Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền;

+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.

(Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,417

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn