Hồ sơ khai quyết toán thuế có gồm báo cáo tài chính năm không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
25/03/2023 08:28 AM

Cho tôi hỏi trong hồ sơ khai quyết toán thuế thì có gồm báo cáo tài chính năm không? - Quốc Anh (Tiền Giang)

Hồ sơ khai quyết toán thuế có gồm báo cáo tài chính năm không?

Hồ sơ khai quyết toán thuế có gồm báo cáo tài chính năm không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hồ sơ khai quyết toán thuế có gồm báo cáo tài chính năm không? 

Theo điểm b khoản 3 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019 quy định hồ sơ khai quyết toán thuế khi kết thúc năm gồm tờ khai quyết toán thuế năm, báo cáo tài chính năm, tờ khai giao dịch liên kết; các tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế.

Như vậy, báo cáo tài chính năm là một trong những loại hồ sơ để khai quyết toán thuế.

2. Kỳ lập và đối tượng lập báo cáo tài chính năm

Theo khoản 1 Điều 98 và khoản 1 Điều 99 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về kỳ lập và đối tượng lập báo cáo tài chính năm như sau:

- Kỳ lập Báo cáo tài chính năm: Các doanh nghiệp phải lập Báo cáo tài chính năm theo quy định của Luật Kế toán.

- Đối tượng lập Báo cáo tài chính năm: Hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. Báo cáo tài chính năm phải lập theo dạng đầy đủ.

3. Hệ thống báo cáo tài chính năm

Hệ thống báo cáo tài chính năm theo khoản 1 Điều 100 Thông tư 200/2014/TT-BTC gồm:

- Bảng cân đối kế toán:

Mẫu số B 01-DN

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:

Mẫu số B 02-DN

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

Mẫu số B 03-DN

- Bản thuyết minh báo cáo tài chính:

Mẫu số B 09-DN

4. Thời hạn nộp báo cáo tài chính

Thời hạn nộp báo cáo tài chính theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 109 Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau:

* Đối với doanh nghiệp nhà nước:

- Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày;

- Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.

* Đối với các loại doanh nghiệp khác:

- Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày;

- Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.

5. Thông tin chung trong báo cáo tài chính năm

Thông tin chung trong báo cáo tài chính năm theo Điều 111 Thông tư 200/2014/TT-BTC gồm:

- Tên và địa chỉ của doanh nghiệp báo cáo;

- Nêu rõ Báo cáo tài chính này là Báo cáo tài chính riêng của doanh nghiệp, Báo cáo tài chính tổng hợp hay Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ, tập đoàn;

- Ngày kết thúc kỳ kế toán;

- Ngày lập Báo cáo tài chính;

- Đơn vị tiền tệ dùng để ghi sổ kế toán;

- Đơn vị tiền tệ dùng để lập và trình bày Báo cáo tài chính.

6. Yêu cầu đối với thông tin trình bày trong Báo cáo tài chính

Yêu cầu đối với thông tin trình bày trong Báo cáo tài chính theo Điều 101 Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau:

* Thông tin trình bày trên Báo cáo tài chính phải phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Để đảm bảo sự trung thực, thông tin phải có 3 tính chất là đầy đủ, khách quan, không có sai sót.

- Thông tin được coi là đầy đủ khi bao gồm tất cả các thông tin cần thiết để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính hiểu được bản chất, hình thức và rủi ro của các giao dịch và sự kiện. Đối với một số khoản mục, việc trình bày đầy đủ còn phải mô tả thêm các thông tin về chất lượng, các yếu tố và tình huống có thể ảnh hưởng tới chất lượng và bản chất của khoản mục.

- Trình bày khách quan là không thiên vị khi lựa chọn hoặc mô tả các thông tin tài chính. Trình bày khách quan phải đảm bảo tính trung lập, không chú trọng, nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ cũng như có các thao tác khác làm thay đổi mức độ ảnh hưởng của thông tin tài chính là có lợi hoặc không có lợi cho người sử dụng Báo cáo tài chính.

- Không sai sót có nghĩa là không có sự bỏ sót trong việc mô tả hiện tượng và không có sai sót trong quá trình cung cấp các thông tin báo cáo được lựa chọn và áp dụng. Không sai sót không có nghĩa là hoàn toàn chính xác trong tất cả các khía cạnh, ví dụ, việc ước tính các loại giá cả và giá trị không quan sát được khó xác định là chính xác hay không chính xác. 

Việc trình bày một ước tính được coi là trung thực nếu giá trị ước tính được mô tả rõ ràng, bản chất và các hạn chế của quá trình ước tính được giải thích và không có sai sót trong việc lựa chọn số liệu phù hợp trong quá trình ước tính.

* Thông tin tài chính phải thích hợp để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính dự đoán, phân tích và đưa ra các quyết định kinh tế.

* Thông tin tài chính phải được trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu. Thông tin đư­ợc coi là trọng yếu trong trư­ờng hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể làm ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin tài chính của đơn vị báo cáo. 

Tính trọng yếu dựa vào bản chất và độ lớn, hoặc cả hai, của các khoản mục có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính của một đơn vị cụ thể.

* Thông tin phải đảm bảo có thể kiểm chứng, kịp thời và dễ hiểu.

* Thông tin tài chính phải được trình bày nhất quán và có thể so sánh giữa các kỳ kế toán; So sánh được giữa các doanh nghiệp với nhau.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,150

Bài viết về

Quyết toán thuế năm 2023

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn