Các thiệt hại mà Nhà nước không phải bồi thường theo pháp luật Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
07/03/2023 19:01 PM

Tôi muốn biết những thiệt hại nào mà Nhà nước không phải bồi thường theo pháp luật Việt Nam? – Hoàng Anh (Đồng Nai)

Các thiệt hại mà Nhà nước không phải bồi thường theo pháp luật Việt Nam

Các thiệt hại mà Nhà nước không phải bồi thường theo pháp luật Việt Nam (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bồi thường nhà nước là gì?

Theo Điều 1 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì:

Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

Trong đó, thiệt hại có thể gồm thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định.

2. Các thiệt hại mà Nhà nước không phải bồi thường theo pháp luật Việt Nam

Cụ thể tại Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về các thiệt hại mà Nhà nước không phải bồi thường như sau:

(1) Nhà nước không bồi thường các thiệt hại sau đây:

- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;

- Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép;

- Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

(2) Ngoài các thiệt hại quy định tại (1), trong hoạt động tố tụng hình sự, Nhà nước không bồi thường các thiệt hại sau đây:

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017);

- Thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm;

- Thiệt hại xảy ra do người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố;

- Thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử.

(3) Ngoài các thiệt hại quy định tại (1), trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đúng yêu cầu của người yêu cầu mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba. 

Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

(4) Ngoài các thiệt hại quy định tại (1), trong hoạt động thi hành án dân sự, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo đúng yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại. 

Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

3. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ tại khoản 1 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 sau đây:

- Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017;

- Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017;

- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,111

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn