Huy động đăng kiểm viên bị khởi tố đi làm có đúng luật?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/03/2023 18:14 PM

Hiện nay một số cán bộ đăng kiểm bị khởi tố nhưng cho tại ngoại, được huy động để tiếp tục làm việc tại trung tâm. Vậy huy động cán bộ đăng kiểm bị khởi tố đi làm có đúng luật không? – Thanh Phúc (TPHCM)

Huy động đăng kiểm viên bị khởi tố đi làm có đúng luật không?

Huy động đăng kiểm viên bị khởi tố đi làm có đúng luật không? (Hình từ Internet)

Đăng kiểm viên là ai?

Đăng kiểm viên là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên để thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kiểm định xe cơ giới. (khoản 5 Điều 3 Nghị định 139/2018/NĐ-CP).

Tính hợp pháp khi huy động đăng kiểm viên bị khởi tố đi làm

Hiện hành, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 quy định về khởi tố bị can như sau: 

Khởi tố bị can là khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can. (khoản 1 Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015)

Cũng trong Bộ luật hình sự 2015 tại Điều 13 có quy định không ai là có tội nếu chưa có bản án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, nếu một người chỉ mới bị khởi tố mà chưa có bản án kết tội thì những quyền công dân cơ bản vẫn có thể được bảo vệ, trong đó có quyền lao động.

Bên cạnh đó, tại Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 cũng có quy định: Trường hợp người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự thì phải thực hiện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Trong tình huống này, người lao động đang bị khởi tố nhưng không bị tạm giữ, tạm giam và vẫn còn tại ngoại thì không thuộc trường hợp phải tạm hoãn hợp đồng lao động. 

Vậy nên nếu không thuộc trường hợp bị tạm hoãn hợp đồng thì người bị khởi tố vẫn có thể đi làm bình thường. 

Ngoài ra, đăng kiểm viên được xác định là viên chức, vì vậy còn được điều chỉnh theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật trong đó có trường hợp: “Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.” (khoản 4 Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP).

Cũng được quy định trong Nghị định 112/2020/NĐ-CP tại Điều 41: Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật thì trong thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mà không thể tiếp tục đi làm để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác mà chưa bị xem xét xử lý kỷ luật thì được hưởng 50% của mức lương hiện hưởng.

Vậy nên, nếu chưa có bản án của tòa thì viên chức vẫn được hưởng lương và được quyền đi làm nếu không ảnh hưởng đến công tác điều tra.

Tóm lại, việc huy động đăng kiểm viên bị khởi tố đi làm là hoàn toàn có cơ sở.

Rủi ro khi huy động đăng kiểm viên bị khởi tố đi làm

Tuy dựa trên các quy định của pháp luật, việc huy động đăng kiểm viên bị khởi tố này không vi phạm pháp luật, nhưng cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người đi đăng kiểm. 

Trước tiên, các đăng kiểm viên bị khởi tố vì những sai phạm nghiêm trọng trong công tác đăng kiểm xe cơ giới. Từ đó, nghi vấn đặt ra là liệu họ có đủ nghiệp vụ để đảm bảo để tiếp tục thực hiện công việc? 

Liệu công tác đăng kiểm có được thực hiện đúng luật? Và nếu trong trường hợp các đăng kiểm viên có vi phạm trong công tác đăng kiểm thì những xe đã được đăng kiểm sẽ xử lý như thế nào?

Hiện hành, tại Điều 17 Nghị định 139/2018/NĐ-CP có quy định đăng kiểm viên sẽ bị tạm đình chỉ từ 1 đến 3 tháng nếu thuộc 2 trường hợp:

(1) Làm sai lệch kết quả kiểm định.

(2) Không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.

Ngoài ra, còn có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 139/2018/NĐ-CP như sau: “Vi phạm một trong các khoản của Điều 17 của Nghị định này đến mức gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến an toàn phương tiện.”

Trình tự tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định, thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên được quy định tại Điều 19 Nghị định 139/2018/NĐ-CP như sau:

Điều 19. Trình tự tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định, thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành quyết định tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên, thông báo đến các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Đăng kiểm viên phải nộp lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên cho Cục Đăng kiểm Việt Nam (đối với trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên), đồng thời dừng việc tham gia kiểm định xe cơ giới tại đơn vị đăng kiểm ngay sau khi quyết định có hiệu lực.

3. Đăng kiểm viên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên chỉ được xem xét cấp lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới sau 36 tháng kể từ ngày thu hồi.

Lê Vũ Trang Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,473

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]