Thỉnh giảng là gì? Trách nhiệm và quyền hạn của nhà giáo thỉnh giảng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
27/01/2023 17:33 PM

Xin cho tôi hỏi thỉnh giảng là gì? Trách nhiệm và quyền hạn của nhà giáo thỉnh giảng được quy định ra sao? - Thanh Hải (Tây Ninh)

Thỉnh giảng là gì? Trách nhiệm và quyền hạn của nhà giáo thỉnh giảng

Thỉnh giảng là gì? Trách nhiệm và quyền hạn của nhà giáo thỉnh giảng

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thỉnh giảng là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT, thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định đến:

- Giảng dạy các môn học, học phần được quy định trong chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và đại học;

- Giảng dạy các chuyên đề;

- Hướng dẫn, tham gia chấm, hội đồng chấm đồ án, khoá luận tốt nghiệp; hướng dẫn, tham gia hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

- Hướng dẫn thí nghiệm, thực hành, thực tập theo các chương trình giáo dục;

- Tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, sách tham khảo.

2. Trách nhiệm và quyền hạn của nhà giáo thỉnh giảng

2.1. Trách nhiệm của nhà giáo thỉnh giảng

Cụ thể tại Điều 8 Quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định về trách nhiệm của nhà giáo thỉnh giảng như sau:

- Thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo theo quy định của pháp luật về giáo dục.

- Thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến hợp đồng thỉnh giảng.

- Thực hiện các cam kết của hợp đồng thỉnh giảng.

- Nhà giáo thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ tại cơ quan, tổ chức nơi mình công tác; đưa kế hoạch thỉnh giảng vào chương trình công tác; phải báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi mình công tác trước khi giao kết và sau khi chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng.

2.2. Quyền hạn của nhà giáo thỉnh giảng

Nhà giáo thỉnh giảng có các quyền hạn sau đây:

- Được hưởng tiền công, tiền lương, quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng thỉnh giảng và theo quy định của pháp luật.

- Được tham gia sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, được tạo điều kiện nghiên cứu khoa học tại cơ sở thỉnh giảng, được xét tặng các danh hiệu, được xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh Giáo sư, Phó giáo sư theo quy định của pháp luật.

- Được cơ sở thỉnh giảng cung cấp, hỗ trợ tài liệu, thiết bị, phương tiện làm việc cần thiết; được đánh giá, xếp loại, khen thưởng nếu có thành tích trong hoạt động giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật.

(Điều 9 Quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT)

3. Mục đích hoạt động thỉnh giảng

Cụ thể tại Điều 3 Quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định về mục đích hoạt động thỉnh giảng như sau:

- Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo thông qua việc thu hút nhà giáo, nhà khoa học trình độ cao tham gia hoạt động thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục.

- Góp phần tạo điều kiện để các nhà giáo cơ hữu của cơ sở giáo dục có thời gian thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thâm nhập thực tế, học tập và bồi dưỡng nâng cao trình độ.

4. Nguyên tắc thực hiện hoạt động thỉnh giảng

Hoạt động thỉnh giảng được thực hiện dựa trên các nguyên tắc theo quy định tại Điều 4 Quy định ban hành kèm Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT, bao gồm:

- Tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về quan hệ dân sự đã được quy định tại Chương II Bộ luật Dân sự 2015, nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự đã được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, những quy định của pháp luật về lao động, những quy định về thỉnh giảng của Luật Giáo dục 2019.

- Đối với các cơ sở thỉnh giảng là cơ sở giáo dục công lập, tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo.

- Đối với các cơ sở thỉnh giảng là cơ sở giáo dục khác, tuân thủ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đã được quy định trong Điều lệ nhà trường, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.

- Trong trường hợp hoạt động thỉnh giảng có sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,361

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn