Cơ chế một cửa quốc gia là gì? Các giao dịch điện tử trên cơ chế một cửa quốc gia

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
11/01/2023 08:28 AM

Xin hỏi là đối với cơ chế một cửa quốc gia thì việc thực hiện cơ chế được quy định thế nào? - Nghiêm Phong (Tiền Giang)

Cơ chế một cửa quốc gia là gì? Các giao dịch điện tử trên cơ chế một cửa quốc gia

1. Cơ chế một cửa quốc gia là gì?

Căn cứ khoản 3 Điều 4 Luật Hải quan 2014 quy định về cơ chế một cửa quốc gia như sau:

Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp.

Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.

2. Quy định về việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia

Tại Điều 7 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định về việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia như sau:

- Người khai hải quan khai thông tin, nộp chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp (Cổng thông tin một cửa quốc gia).

Thời điểm khai thông tin, nộp chứng từ điện tử thực hiện theo quy định của các Luật quản lý chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật quản lý chuyên ngành.

- Các cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý thông tin của người khai hải quan; phản hồi kết quả xử lý cho người khai hải quan; trao đổi thông tin khai thủ tục hành chính và kết quả xử lý thông tin khai thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước với nhau thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

- Người khai hải quan tiếp nhận kết quả xử lý từ các cơ quan nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

- Cơ quan hải quan căn cứ kết quả xử lý của các cơ quan nhà nước để ra quyết định cuối cùng về thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phản hồi kết quả cho người khai hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

3. Các giao dịch điện tử trên Cơ chế một cửa quốc gia

Tại Điều 5 Thông tư liên tịch 89/2016/TTLT-BTC-BCT quy định về các giao dịch điện tử trên Cơ chế một cửa quốc gia (giao dịch điện tử) bao gồm:

- Khai, nhận phản hồi thông tin về việc xử lý hồ sơ để thực hiện thủ tục hành chính một cửa trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

- Tiếp nhận và chuyển thông tin khai từ Cổng thông tin một cửa quốc gia tới các hệ thống xử lý chuyên ngành.

- Nhận kết quả xử lý từ các hệ thống xử lý chuyên ngành tới Cổng thông tin một cửa quốc gia.

- Trao đổi thông tin giữa các hệ thống xử lý chuyên ngành thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

4. Chứng từ hành chính một cửa

Tại Điều 6 Thông tư liên tịch 89/2016/TTLT-BTC-BCT quy định về chứng từ hành chính một cửa như sau:

- Chứng từ điện tử gồm:

+ Thông tin khai dưới các hình thức: tờ khai, đơn đăng ký, đăng ký, xác nhận đăng ký hoặc loại khác để thực hiện thủ tục hành chính trong danh Mục các thủ tục hành chính một cửa;

+ Kết quả xử lý của cơ quan xử lý dưới các hình thức: quyết định thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa hàng hóa về bảo quản, giấy phép, giấy chứng nhận, xác nhận hoặc kết quả xử lý khác tương ứng với thủ tục hành chính trong danh Mục các chứng từ điện tử quy định tại Phụ lục III Thông tư liên tịch 89/2016/TTLT-BTC-BCT.

- Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử:

+ Chứng từ điện tử có giá trị để làm thủ tục với các cơ quan quản lý nhà nước như chính chứng từ đó thể hiện ở dạng văn bản giấy;

+ Chứng từ điện tử phải được lập theo đúng tiêu chí, định dạng mẫu của các Bộ đối với các thủ tục hành chính một cửa tại Phụ lục I và Phụ lục II Thông tư liên tịch 89/2016/TTLT-BTC-BCT;

+ Việc gửi, nhận, lưu trữ và giá trị pháp lý của chứng từ điện tử được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Chứng từ điện tử phải đáp ứng đủ các yêu cầu của pháp luật chuyên ngành đối với các thủ tục hành chính một cửa;

+ Chứng từ điện tử phải có chữ ký số của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các thủ tục hành chính một cửa (trong trường hợp người khai đăng ký sử dụng chữ ký số).

- Hình thức, nội dung, phương thức nộp, xuất trình của các chứng từ khác trong hồ sơ để thực hiện các thủ tục hành chính một cửa tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành đối với thủ tục hành chính đó.

>>> Xem thêm: Bộ Tài chính công bố Danh mục 101 thủ tục hành chính tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa?

Tổ chức, cá nhân khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa không được thực hiện các hành vi nào?

Những hành vi không được làm khi giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc BKHĐT?

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,182

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập cảnh

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn