Tải App trên Android

Tài sản bảo đảm là gì? Quyền truy đòi tài sản bảo đảm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
07/11/2022 08:31 AM

Tài sản bảo đảm là gì? Và quyền truy đòi tài sản bảo đảm được quy định như thế nào? - Ngọc Nam (Đồng Nai)

Tài sản bảo đảm là gì? Quyền truy đòi tài sản bảo đảm

Tài sản bảo đảm là gì? Quyền truy đòi tài sản bảo đảm

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tài sản bảo đảm là gì?

Tài sản bảo đảm có thể được hiểu là tài sản được bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm thông qua các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký cược, ký quỹ, đặt cọc…

2. Tài sản bảo đảm bao gồm những gồm gì?

Theo Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì tài sản bảo đảm bao gồm:

- Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;

- Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;

- Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;

- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

3. Quyền truy đòi tài sản bảo đảm

Quyền truy đòi tài sản bảo đảm theo Điều 7 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định như sau:

(1) Quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu;

Chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật và không thuộc trường hợp quy định tại (2) mục này.

(2) Quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm không áp dụng đối với tài sản sau đây:

- Tài sản bảo đảm đã được bán, được chuyển nhượng hoặc đã được chuyển giao khác về quyền sở hữu do có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm và không được tiếp tục dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận;

- Tài sản thế chấp được bán, được thay thế hoặc được trao đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 321 Bộ luật Dân sự:

Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

- Tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế bằng tài sản khác quy định tại Điều 21 Nghị định 21/2021/NĐ-CP:

+ Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về việc chia, tách một tài sản bảo đảm thành nhiều tài sản phù hợp với quy định của pháp luật liên quan thì giải quyết như sau:

++ Việc chia, tách tài sản bảo đảm không làm thay đổi chủ sở hữu thì những tài sản mới được hình thành sau khi chia, tách tiếp tục là tài sản bảo đảm;

++ Việc chia, tách tài sản bảo đảm làm thay đổi chủ sở hữu thì tài sản mới được hình thành sau khi chia, tách thuộc quyền của chủ sở hữu mới không là tài sản bảo đảm.

+ Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về việc hợp nhất, sáp nhập hoặc trộn lẫn tài sản bảo đảm với tài sản khác hoặc tài sản bảo đảm được chế biến tạo thành tài sản mới thì tài sản bảo đảm được xác định như sau:

++ Tài sản mới được tạo thành do hợp nhất, sáp nhập hoặc trộn lẫn mà không chia được thì phần giá trị tài sản bảo đảm được hợp nhất, sáp nhập hoặc trộn lẫn vào tài sản mới trở thành tài sản bảo đảm;

++ Vật mới được tạo thành do chế biến thuộc sở hữu của bên bảo đảm thì vật mới tiếp tục là tài sản bảo đảm. Trường hợp vật mới không thuộc sở hữu của bên bảo đảm thì giá trị phần tài sản bảo đảm được chế biến trở thành tài sản bảo đảm.

+ Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về việc dùng tài sản bảo đảm để góp vốn vào pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại là doanh nghiệp xã hội thì cổ phần hoặc phần vốn góp là tài sản bảo đảm;

Trừ trường hợp bên nhận bảo đảm và pháp nhân nhận góp vốn có thỏa thuận về việc tài sản bảo đảm mang góp vốn tiếp tục được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

+ Trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về việc dùng tài sản đang được bảo hiểm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoặc tài sản đang dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà được bảo hiểm thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, số tiền bồi thường; 

Hoặc tài sản thay thế mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm trở thành tài sản bảo đảm.

+ Trường hợp tài sản bảo đảm là cây hằng năm theo quy định của Luật Trồng trọt được thu hoạch, công trình tạm theo quy định của Luật Xây dựng bị phá dỡ thì hoa lợi hoặc tài sản khác có được từ việc thu hoạch hoặc phá dỡ trở thành tài sản bảo đảm.

+ Trường hợp tài sản đang dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo đảm cài đặt, tích hợp phần mềm, hệ thống phần mềm phù hợp với quy định của pháp luật liên quan thì quyền tài sản đối với phần mềm, hệ thống phần mềm trong phạm vi tài sản bảo đảm này cũng là tài sản bảo đảm.

+ Trường hợp tài sản bảo đảm bị thu hồi do bên bảo đảm vi phạm pháp luật liên quan thì bên bảo đảm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận bảo đảm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. 

Trường hợp bên bảo đảm được Nhà nước thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật liên quan thì tài sản được thanh toán hoặc bồi thường trở thành tài sản bảo đảm.

+ Trường hợp không còn tài sản bảo đảm do bị thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì số tiền được bồi thường, tài sản được thay thế hoặc tài sản được trao đổi theo quy định của pháp luật liên quan trở thành tài sản bảo đảm.

+ Trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xác định là không còn tài sản bảo đảm, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 7 và 8 Điều 21 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.

+ Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan làm cho tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế mà có tài sản mới phát sinh hoặc có tài sản được thay thế thì tài sản này trở thành tài sản bảo đảm.

- Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

(3) Trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại thì quyền truy đòi tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm không chấm dứt nhưng thực hiện theo quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự và quy định khác về thừa kế của Bộ luật Dân sự trong trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết;

Hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể pháp nhân, phá sản trong trường hợp bên bảo đảm là pháp nhân bị giải thể, bị tuyên bố phá sản.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 58,163

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]