Đối tượng nào được thành lập cơ quan chủ quản báo chí?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/10/2022 10:00 AM

Cơ quan chủ quản báo chí là gì? Đối tượng nào được thành lập cơ quan chủ quản báo chí? - Thanh Yên (Tiền Giang)

Đối tượng nào được thành lập cơ quan chủ quản báo chí?

Đối tượng nào được thành lập cơ quan chủ quản báo chí?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cơ quan chủ quản báo chí là gì?

Theo khoản 1 Điều 15 Luật Báo chí 2016 thì cơ quan chủ quản báo chí là cơ quan, tổ chức quy định tại mục 2 đứng tên đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo chí, thành lập và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí.

2. Đối tượng nào được thành lập cơ quan chủ quản báo chí?

Đối tượng được thành lập cơ quan chủ quản báo chí theo Điều 14 Luật Báo chí 2016 bao gồm:

- Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.

- Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.

3. Quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí

Quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 15 Luật Báo chí 2016 như sau:

3.1. Quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí

- Xác định loại hình báo chí, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, ngôn ngữ thể hiện của từng loại hình, từng loại sản phẩm báo chí, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động của cơ quan báo chí;

- Bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan báo chí và gửi văn bản thông báo về việc miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan báo chí tới Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí; khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.

3.2. Nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí

- Chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động; tổ chức nhân sự và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí;

- Bảo đảm nguồn kinh phí ban đầu và điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan báo chí, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc.

4. Thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí

Việc thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí theo Điều 19 Luật Báo chí 2016 quy định như sau:

- Trường hợp thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản được ghi trên giấy phép có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động báo chí gửi Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Cơ quan, tổ chức tiếp nhận cơ quan báo chí làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo chí theo quy định tại Điều 18 Luật Báo chí 2016:

+ Cơ quan, tổ chức quy định tại mục 2, đủ điều kiện theo quy định tại Điều 17 Luật Báo chí 2016, có nhu cầu thành lập cơ quan báo chí, gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí.

Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo chí do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

+ Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí; trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

+ Sau khi được cấp giấy phép hoạt động báo chí, cơ quan chủ quản báo chí ra quyết định thành lập cơ quan báo chí và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Sau 03 tháng đối với báo in và báo điện tử, 09 tháng đối với báo nói, báo hình, kể từ ngày giấy phép hoạt động báo chí có hiệu lực, nếu cơ quan báo chí không được thành lập hoặc không có sản phẩm báo chí thì giấy phép hết hiệu lực. Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi giấy phép.

+ Chậm nhất là 30 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hoạt động, cơ quan báo chí phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông để thu hồi giấy phép hoạt động báo chí và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

+ Trường hợp đã bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí theo quy định, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép, cơ quan chủ quản báo chí gửi văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp lại giấy phép. 

Trường hợp có thay đổi nội dung so với giấy phép đã được cấp, cơ quan chủ quản gửi hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép theo quy định.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,772

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]