Sang tên sổ đỏ có bắt buộc đo đạc lại không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
20/05/2021 09:45 AM

Có cần đo đạc lại diện tích trước khi sang tên sổ đỏ hay không? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm trước khi thực hiện sang tên sổ đỏ.

Sang tên sổ đỏ có bắt buộc đo đạc lại không? (ảnh minh họa)

Sổ đỏ là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.;

Sang tên sổ đỏ là thủ tục chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất từ người này sang người khác.

Việc chuyển nhượng này có thể là quyền sử dụng đất của cả một thửa đất hoặc quyền sử dụng của một phần thửa đất đó. Từ đó mà việc đo đạc lại diện tích đất chuyển nhượng cũng được quy định khác nhau.

- Trường hợp sang tên một phần thửa đất:

Tại Khoản 1 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:

Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.

Như vậy, khi sang tên một phần thửa đất phải đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai tiến hành đo đạc tách thửa, nếu không sẽ không thể sang tên được.

- Trường hợp sang tên toàn bộ thửa đất:

Tại Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi thực hiện thủ tục sang tên toàn bộ thửa đất thì không có quy định phải đo đạc lại thửa đất.

Bên cạnh đó, Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 17 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định cụ thể các trường hợp cần chỉnh lý bản đồ địa chính:

+ Xuất hiện thửa đất và các đối tượng chiếm đất mới (trừ các đối tượng là công trình, xây dựng và tài sản trên đất);

+ Thay đổi ranh giới thửa đất và các đối tượng chiếm đất (trừ các đối tượng là công trình xây dựng và tài sản trên đất);

+ Thay đổi diện tích thửa đất;

+ Thay đổi mục đích sử dụng đất;

+ Thay đổi thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất;

+ Thay đổi về mốc giới và đường địa giới hành chính các cấp;

+ Thay đổi về điểm tọa độ địa chính và điểm tọa độ Quốc gia;

+ Thay đổi về mốc giới và hành lang an toàn công trình;

+ Thay đổi về địa danh và các ghi chú trên bản đồ.

Đồng thời, khoản này còn đưa ra cơ sở để quyết định thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính như sau:

+ Các thay đổi về ranh giới thửa đất, diện tích thửa đất, mục đích sử dụng đất được thực hiện trong các trường hợp: có quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất của cấp có thẩm quyền; quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp, bản án của Tòa án nhân dân các cấp về việc giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả cấp, chỉnh lý Giấy chứng nhận trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế có liên quan đến thay đổi ranh giới, mục đích sử dụng đất; quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; có thay đổi ranh giới thửa đất do sạt lở, sụt đất tự nhiên; người sử dụng đất, cơ quan quản lý đất đai các cấp phát hiện có sai sót trong đo vẽ bản đồ địa chính;

+ Mốc giới, đường địa giới hành chính trên bản đồ được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp có quyết định thay đổi địa giới hành chính, lập đơn vị hành chính mới, đã lập hồ sơ địa giới, cắm mốc địa giới trên thực địa;

+ Mốc tọa độ, mốc quy hoạch, hành lang an toàn công trình trên bản đồ được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp mốc giới mới được cắm trên thực địa và có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Việc chỉnh lý, bổ sung thông tin về địa danh, địa vật định hướng và các thông tin thuộc tính khác do cơ quan quản lý đất đai các cấp tự quyết định khi phát hiện có thay đổi.

Xem thêm:

>> 05 điều cần lưu ý khi sang tên sổ đỏ cho con

Xuân Khoa

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 155,638

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]