Khi nào viên chức bị buộc thôi việc?

21/05/2019 11:00 AM

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang – giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8 Trường tiểu học Quán Toan, TP. Hải Phòng vừa bị Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng yêu cầu trường cho thôi việc về hành vi đánh nhiều học sinh trong giờ kiểm tra hiện đang được dư luận rất quan tâm.

Lý do mà Quận Hồng Bàng đưa ra là hành vi của cô Trang mang tính chất bạo lực, bạo hành, xâm phạm thân thể và tinh thần học sinh. Vi phạm quy chế chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và vi phạm đạo đức nhà giáo. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Gây bức xúc, phẫn nộ trong học sinh, phụ huynh và nhân dân. Tạo dư luận xấu trong xã hội, làm ảnh hưởng tới uy tín và danh dự nhà trường, quận và TP trong khi quận và TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, chống bạo lực học đường.

Thôi việc

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem lại việc buộc thôi việc có đúng với quy định của pháp luật hiện hành hay không?

Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, quy định viên chức bị buộc thôi việc trong các trường hợp sau:

Điều 13. Buộc thôi việc

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;

4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;

6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.

Xét thấy trong trường hợp trên, UBND Quận đang áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 27 để xác định rằng hành vi của cô Trang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, hiện nay không có văn bản nào quy định trường hợp đánh học sinh như trên thì đến mức độ nào mới là hậu quả nghiệm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng mà chỉ mang tính cảm tính như lý do UBND quận đưa ra mà thôi.

Ngay cả trong Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo hay Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường cũng không đề cập đến vấn đề này.

Thiết nghĩ, cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong trường hợp này để khi xử lý kỷ luật các cơ quan chức năng có cơ sở chính xác nhằm xác định biện pháp xử lý cho phù hợp, tránh tính cảm quan.

Hân Nguyễn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,964

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn