Thực tế ngoài cái được gọi là “giá vé” của máy bay, thì trong tổng số tiền mà khách hàng phải thanh toán để có thể chính thức sở hữu được một chỗ ngồi trên máy bay còn có thêm chi phí, bến bãi, tiền thuế…Nên gọi là giá 0 đồng, nhưng khi trả tiền thì thấp nhất cũng là vài ba trăm ngàn cho phần chi phí phụ thu thêm. Dù vậy, thì khi mua đươc vé 0 đồng, hành khách cũng cảm thấy rất vui vì mình đã giảm được một khoản tiền kha khá để lo cho những việc khác.
Việc hãng hàng không Jetstar mới đây gửi đề xuất áp đặt giá vé sàn cho các loại vé máy bay để ngăn việc cạnh tranh bằng vé giá rẻ có vẻ chưa hợp lý. Trong khi hãng này cũng vốn là một hãng hàng không giá rẻ, thì nguyên tắc giá vé 0 đồng cũng từng được hãng này áp dụng, vậy tại sao bây giờ lại cảm thấy rủi ro.
Pháp luật cạnh tranh của Việt Nam cấm thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh - thông qua “thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp” qua các biểu hiện như sau:
- Áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng.
- Tăng giá hoặc giảm giá ở mức cụ thể.
- Áp dụng công thức tính giá chung.
- Duy trì tỷ lệ cố định về giá của sản phẩm liên quan.
(Theo Nghị định 116/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cạnh tranh)
Như vậy, việc áp giá sàn là một trong những biểu hiện của hạn chế cạnh tranh, nếu như hãng hàng không có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ khuyến mãi cho khách hàng với mức giá thấp hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên việc Jetstar đưa ý kiến áp giá sàn cũng không phải là không có lý, giá vé máy bay được dùng để chi trả tiền xăng dầu, chi phí lương cho nhân viên…nên việc tìm mọi cách bán dưới giá thành chịu lỗ để thu hút khách nhằm gây thiệt hại cho đối thủ cũng được xem là cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng có hay không thì phải có bằng chứng, vì đây chỉ mới là suy luận của một bên.
Dù sao thì khi kinh doanh cũng cần lưu ý luôn đặt mục tiêu khách hàng lên hàng đầu, và những việc gây bất lợi cho khách hàng thì không nên khuyến khích thực hiện.
Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế. (Khoản 3 Điều 3 của Luật Cạnh tranh 2004) |
Hân Nguyễn