Ảnh minh họa
Bà Trần Thị Kim Thanh (TP. Hà Nội): Mẹ tôi tên là Đỗ Thị Miện, sinh năm 1947, thường trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, tham gia thanh niên xung phong từ tháng 7/1965 đến tháng 11/1969, sau đó về làm việc tại Nhà máy Dệt 8/3. Năm 1989, mẹ tôi nghỉ chế độ hưu, các giấy tờ về thời gian tham gia thanh niên xung phong đã bị thất lạc, còn giữ được Giấy chứng nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Xin hỏi, để được giải quyết chế độ thương binh, gia đình tôi cần làm những thủ tục gì?
Bộ LĐTBXH trả lời: Theo nội dung đơn, bà không trình bày rõ trường hợp bị thương, có thuộc một trong các trường hợp được xem xét, xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định hay không. Do đó Cục Người có công chưa đủ cơ sở xem xét, trả lời cụ thể.
Hiện nay, thủ tục hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng, bà có thể tham khảo hai Thông tư nêu trên để xem xét, lập hồ sơ hoặc liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.
Bà Phạm Thị Thanh Mai (TP. Hà Nội): Bố tôi được xác nhận là thương binh nặng đã trên 30 năm, nay vết thương cũ tái phát trầm trọng, có xác nhận của bác sĩ Bệnh viện Quân đội 108. Xin hỏi, bố tôi điều trị tại các bệnh viện thì được hưởng chế độ như thế nào? Nếu bố tôi từ trần thì sẽ được xét duyệt và hưởng những chế độ gì?
Bộ LĐTBXH trả lời: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thương binh được Nhà nước mua BHYT. Do đó, nếu thương binh đang điều trị tại các bệnh viện thì sẽ được thanh toán chi phí điều trị theo quy định của pháp luật về BHYT.
Về chế độ đối với thương binh từ trần, tại Điều 32 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ đã quy định về chế độ ưu đãi đối với thân nhân khi thương binh chết.
Đề nghị bà tham khảo quy định nêu trên để biết chi tiết về chế độ hoặc liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội để được trả lời, hướng dẫn cụ thể.
Ông Bùi Ngọc Thành (tỉnh Quảng Bình): Tôi là thương binh loại A (21%), có Giấy chứng nhận bị thương được xác nhận loại B của đơn vị quân đội (bị thương ngày 28/10/1979, chức vụ: Trợ lý nghiên cứu, Học viện chính trị; trường hợp bị thương: Tai nạn tàu hỏa trên đường đi công tác, nhưng chưa được khám). Nay, tôi muốn khám gộp các vết thương trong giấy thương binh loại B vào trong thương binh loại A có được không?
Bộ LĐTBXH trả lời: Hiện nay, không có quy định giám định gộp để tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động đối với thương binh loại A và thương binh loại B.
Ông Phạm Thanh Minh (TP. Hà Nội): Tôi nhập ngũ tháng 3/1973, tháng 7/1987, tôi được nghỉ theo chế độ bệnh binh với tỷ lệ mất sức lao động 61%, cấp bậc thượng úy, trong đó có 38% tỷ lệ thương tật do tham gia chiến đấu tại Chiến trường B2, K, hưởng 55% lương. Nhưng sau đó, tôi chỉ được hưởng 1 mức. Nay tôi được hưởng mức 2.180.000 đồng. Hiện tôi bị suy nhược thần kinh do vết thương cũ tái phát, tiểu đường tuyp2, viêm đa khớp mãn tính. Xin hỏi, tôi có được hưởng chính sách tăng thêm phụ cấp không? Có được đi giám định lại không?
Bộ LĐTBXH trả lời: Theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ và Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì bệnh binh nếu mắc thêm bệnh do chất độc hóa học thì được giám định tổng hợp để hưởng trợ cấp bệnh binh.
Đề nghị ông liên hệ với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên (tỉnh Bến Tre): Bố tôi nhập ngũ tháng 11/1976, tại Trung đội tàu thuyền Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre. Tháng 5/1981, bố tôi xuất ngũ do bị bệnh viêm tai giữa mãn tính và viêm xương chũm mãn tính, tỷ lệ thương tật là 65%. Theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bố tôi đủ điều kiện giải quyết chính sách. Xin hỏi, bố tôi có được giải quyết chế độ bệnh binh và trợ cấp xuất ngũ không? Nếu có thì được hưởng từ thời điểm nào? Căn cứ để được hưởng các chế độ chính sách đó?
Bộ LĐTBXH trả lời: Khoản 2, Điều 34 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định về trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận bệnh binh như sau: “Các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ra quyết định cấp Giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp bệnh tật”.
Đề nghị bà liên hệ với cơ quan Quân sự tại địa phương để được hướng dẫn, xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Thẩm quyền giải quyết trợ cấp thân nhân người có công
Ông Nguyễn Văn Tuấn (tỉnh Sóc Trăng): Bà Mai Thị Niềm, trú tại ấp Phương Hòa II, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng là vợ liệt sĩ Lê Văn Phi. Năm 1965, bà Niềm tái giá với ông Nguyễn Văn Thêm ở cùng ấp. Năm 1970, ông Thêm bị bắt đi lính đồn, đến năm 1971 ông Thêm tử trận, bà Mai Thị Niềm đã được cấp tiền tử trận. Vậy, trường hợp của bà Niềm có được hưởng chế độ vợ liệt sĩ tái giá không?
Bộ LĐTBXH trả lời: Tại Điểm d, Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định, vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác nhưng nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống được UBND cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Như vậy, theo quy định hiện hành thì không cấm những trường hợp nêu trên được hưởng trợ cấp.
Đề nghị bà Niềm liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ Lê Văn Phi để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Ông Phạm Đình Lê (tỉnh Hà Tĩnh): Địa phương tôi có cụ Lê Thị Vinh, sinh năm 1910, là mẹ liệt sĩ, được hưởng trợ cấp 1.983.000 đồng hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ. Nhưng, từ tháng 9/2015 đến nay, trợ cấp của cụ Vinh bị cắt giảm còn 1.318.000 đồng. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp nguyên nhân cắt giảm trợ cấp thân nhân liệt sĩ đối với cụ Vinh.
Bộ LĐTBXH trả lời: Tại thời điểm năm 2012, theo quy định tại Nghị định số 47/2012/NĐ-CP ngày 28/5/2012 của Chính phủ, mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.110.000 đồng, của 2 liệt sĩ là 1.983.000 đồng và trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng là 1.983.000 đồng.
Tại thời điểm tháng 9/2015, theo quy định tại Nghị định số 20/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.318.000 đồng, của 2 liệt sĩ là 2.636.000 đồng, của 3 liệt sĩ là 3.954.000 đồng. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng là 1.054.000 đồng.
Theo nội dung đơn, ông không trình bày rõ trước đây cụ Vinh được hưởng mức 1.983.000 đồng là thuộc diện thân nhân của 2 liệt sĩ hay nhận trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng. Do đó Cục Người có công chưa đủ cơ sở để xem xét, trả lời cụ thể.
Tuy nhiên, hiện cụ Lê Thị Vinh đang hưởng mức trợ cấp 1.318.000 đồng (là mức trợ cấp đối với thân nhân của 1 liệt sĩ), nếu không rõ nguyên nhân bị cắt giảm trợ cấp, đề nghị ông liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh (nơi đang chi trả trợ cấp đối với cụ Vinh) để được xem xét, trả lời cụ thể.
Ông Hoàng Danh Kim (tỉnh Đắk Lắk): Chị tôi tên là Hoàng Thị Ngọc, hiện ở tại xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Chồng chị tôi là bệnh binh Nguyễn Sỹ Quế, đã chết tháng 10/1983, khi đó chị tôi chưa đủ điều kiện về tuổi để hưởng chế độ tuất với thân nhân bệnh binh. Nay, chị tôi 62 tuổi, gia đình đã nhiều lần làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ với thân nhân khi bệnh binh chết cho chị tôi, nhưng được trả lời, không tìm thấy hồ sơ của bệnh binh Nguyễn Sỹ Quế. Tôi xin hỏi, gia đình cần làm thủ tục gì để chị tôi được hưởng chế độ chính sách?
Bộ LĐTBXH trả lời: Trách nhiệm quản lý hồ sơ người có công thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi ông Nguyễn Sỹ Quế hưởng chế độ ưu đãi trước khi mất. Việc giải quyết trợ cấp tiền tuất hàng tháng cho thân nhân phải căn cứ vào hồ sơ của người có công với cách mạng. Vì vậy, đề nghị gia đình ông liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ