Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015, Nghị định 42/2015/NĐ-CP được coi là cơ sở pháp lí đầu tiên mở đường cho thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh rất nhiều các vấn đề được đưa ra như: Điều kiện kinh doanh, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh; Đình chỉ, chấm dứt hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh; Quy định về đầu tư chứng khoán phái sinh; Quyền và nghĩa vụ của thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt, thành viên tạo lập thị trường… thì một trong những nội dung quan trọng đó là quy định về Quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư như thế nào để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt trong các trường hợp xấu nhất như thành viên bù trừ bị phá sản?
Trách nhiệm của nhà đầu tư
Theo đó, tại Điều 26 về Quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư tại Nghị định 42/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư phải ký quỹ đầy đủ và kịp thời cho thành viên bù trừ theo các điều khoản của hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh. Việc ký quỹ của nhà đầu tư được thực hiện bằng tiền, chứng khoán của chính nhà đầu tư.
Chứng khoán ký quỹ phải là chứng khoán nằm trong danh mục tài sản được thành viên bù trừ chấp nhận ký quỹ. Hàng ngày và trong các phiên giao dịch có giá chứng khoán biến động mạnh, thành viên bù trừ tính toán lãi lỗ vị thế, đánh giá lại giá trị tài sản ký quỹ, bảo đảm nhà đầu tư luôn duy trì ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng và phù hợp với quy định pháp luật.
Nghị định 42/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ, nhà đầu tư có trách nhiệm bổ sung ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ trong trường hợp giá trị tài sản ký quỹ của nhà đầu tư xuống thấp hơn mức ký quỹ duy trì. Mức ký quỹ bổ sung và thời hạn bổ sung ký quỹ thực hiện theo hướng dẫn của thành viên bù trừ nhưng phải đảm bảo mức ký quỹ sau khi bổ sung không thấp hơn mức ký quỹ ban đầu.
Trong trường hợp nhà đầu tư không bổ sung đầy đủ, kịp thời ký quỹ theo yêu cầu, thành viên bù trừ có quyền thực hiện các hoạt động theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 22 Nghị định này. Cụ thể, trong trường hợp nhà đầu tư mất khả năng thanh toán, thành viên bù trừ có quyền yêu cầu nhà đầu tư thực hiện, hoặc thành viên bù trừ thực hiện việc đóng vị thế, thanh lý vị thế bắt buộc đối với các vị thế mở của nhà đầu tư; Được sử dụng, bán, chuyển giao tài sản ký quỹ của nhà đầu tư để mua hoặc làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán đối với các vị thế mở của nhà đầu tư.
Trong trường hợp giá trị tài sản ký quỹ của nhà đầu tư lớn hơn mức ký quỹ ban đầu theo yêu cầu của thành viên bù trừ, nhà đầu tư được rút bớt tài sản ký quỹ.
Xử lí tài sản khi thành viên bù trù mất khả năng thanh toán?
Theo Nghị định 42/2015/NĐ-CP, thành viên bù trừ phải quản lý tách biệt tài khoản và tài sản ký quỹ tới từng nhà đầu tư; tách biệt với tài khoản và tài sản ký quỹ của chính mình, theo nguyên tắc sau:
- Trường hợp tài sản ký quỹ là tiền, thành viên bù trừ phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng quản lý tài khoản, thiết lập hệ thống tài khoản và theo dõi số dư tiền tới từng nhà đầu tư. Thành viên bù trừ có trách nhiệm phối hợp với ngân hàng quản lý tài khoản và yêu cầu ngân hàng cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác về số dư tiền trên tài khoản của nhà đầu tư.
- Trường hợp tài sản ký quỹ là chứng khoán, thành viên bù trừ quản lý tài sản này ngay trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Khoản 4, Điều 26 của Nghị định 42/2015/NĐ-CP nêu rõ, trong trường hợp thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán theo quy định pháp luật về phá sản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư không phải là tài sản của thành viên bù trừ, và không được sử dụng để xử lý theo quy định pháp luật về phá sản, không được phân chia cho các chủ nợ của thành viên bù trừ hoặc phân chia cho các cổ đông, thành viên góp vốn của công ty dưới mọi hình thức.
Tài sản này chỉ được sử dụng để thanh toán, bảo đảm thanh toán cho vị thế mở của nhà đầu tư (thể hiện việc nhà đầu tư đang nắm giữ chứng khoán phái sinh còn hiệu lực, chưa được thanh lý hoặc tất toán - PV). Phần tài sản còn lại sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư thì phải được hoàn trả ngay cho nhà đầu tư.
PV