Chính sách mới >> Tài chính 14/11/2023 16:00 PM

Tính thanh khoản là gì? Công thức tính thanh khoản

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
14/11/2023 16:00 PM

Thanh khoản là thuật ngữ thường dùng trong lĩnh vực tài chính. Vậy tính thanh khoản là gì và công thức tính thanh khoản như thế nào?

Tính thanh khoản là gì? Công thức tính thanh khoản

Tính thanh khoản là gì? Công thức tính thanh khoản (Hình từ internet)

Tính thanh khoản là gì?

Tính thanh khoản là thuật ngữ thể hiện mức độ linh hoạt của một tài sản bất kỳ, trong đó việc mua bán trên thị trường không làm thay đổi giá trị thị trường của tài sản đó.

Có thể hiểu đơn giản, tính thanh khoản thể hiện khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản hoặc sản phẩm. 

Các loại tài sản hiện nay theo Bộ luật Dân sự 2015 là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.  

Nếu dựa vào khái niệm trên thì tiền là tài sản có tính thanh khoản cao nhất.

Tính thanh khoản là một tiêu chí quan trọng để các ngân hàng đánh giá khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp.

Phân loại tài sản theo tính thanh khoản

Tài sản lưu động là các tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt hoặc được sử dụng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản lưu động thường bao gồm tiền mặt, tài khoản ngân hàng, cổ phiếu, nợ khách hàng,… Giá trị tài sản lưu động có thể thay đổi thường xuyên tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong kế toán, tài sản lưu động được chia làm 05 loại và được sắp xếp theo tính thanh khoản từ cao đến thấp như sau:

+ Tiền mặt và các khoản tương đương như chứng khoán, tiền gửi ngân,….

+ Các khoản đầu tư ngắn hạn, ví dụ như cổ phiếu ngắn hạn, trái phiếu ngắn hạn,…

+ Khoản phải thu;

+ Ứng trước ngắn hạn;

+ Hàng tồn kho là hàng hóa, sản phẩm mà doanh nghiệp sở hữu và đang giữ lại để bán ra trong tương lai.

Tiền mặt có tính thanh khoản cao nhất bởi luôn luôn dùng trực tiếp để thanh toán, lưu thông, tích trữ.

Ngoài ra, chứng khoán cũng có thể xem là tài sản có tính thanh khoản. Chứng khoán có tính thanh khoản là những chứng khoán có sẵn trong thị trường cho việc bán lại dễ dàng, giá cả tương đối ổn định theo thời gian và khả năng cao để phục hồi nguồn vốn đã đầu tư ban đầu.

Công thức tính thanh khoản

Hiện nay, có nhiều công thức tính thanh khoản, đơn cử như:

- Tính thanh khoản hiện thời là khả năng thanh toán nợ đến hạn, hệ số thanh toán vốn lưu động

Tỷ số thanh khoản hiện thời = Tài sản lưu động/Nợ ngắn hạn.

+ Nếu tỷ số thanh khoản hiện thời nhỏ hơn 1 là khả năng trả nợ yếu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ phá sản.

+ Nếu tỷ số thanh khoản hiện thời lớn hơn 1 là doanh nghiệp có khả năng cao thanh toán các khoản nợ đến hạn

- Tính thanh khoản nhanh là tỷ số mà doanh nghiệp có thể thanh toán mà không cần xử lý hàng tồn kho.

Tỷ số thanh khoản nhanh = (Tài sản lưu động - Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn.

+ Tỷ số thanh khoản nhanh nhỏ hơn 0,5 phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp.

+ Tỷ số thanh khoản nhanh trong khoản 0,5 - 1 phản ánh doanh nghiệp có khả năng thanh toán tốt, tính thanh khoản cao.

- Tỷ số khả năng thanh toán tức thời là tỷ số thanh toán bằng tiền mặt.

Tỷ số khả năng thanh toán tức thời = Vốn bằng tiền/Nợ ngắn hạn.

Vốn bằng tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển, các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn và các khoản đầu tư ngắn hạn khác có thể chuyển đổi thành tiền trong thời hạn 03 tháng mà không gặp rủi ro lớn.

Ý nghĩa của thanh khoản

Thanh khoản thể hiện mức độ mà một tài sản có thể được mua hoặc bán nhanh chóng trên thị trường với mức giá phản ánh giá trị nội tại của tài sản.

Tiền mặt được coi là tài sản có tính thanh khoản cao nhất vì nó có thể được chuyển đổi thành các tài sản khác một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. Ngoại tệ, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu,… là các loại tài sản có tính thanh khoản cao. Các tài sản như bất động sản, đồ sưu tầm, đồ mỹ nghệ đều tương đối kém thanh khoản.

Ví dụ: Anh A cần mua ô tô 1 tỷ đồng, nếu có tiền mặt thì anh A có thể mua ngay (đây được coi là có tính thanh khoản cao). Nếu không có tiền mặt nhưng anh A có miếng đất trị giá 2 tỷ đồng, muốn bán để mua xe. Sẽ dễ dàng nếu anh A có nhiều thời gian để chờ bán miếng đất rồi lấy tiền mua xe, nhưng nếu cần phải mua gấp ô tô thì buộc anh A phải hạ giá miếng đất để bán nhanh hơn, lúc này miếng đất được coi là tài sản có tính thanh khoản kém.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 114,164

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]