Chính sách mới >> Tài chính 09/10/2013 08:24 AM

Chi tiêu công ở Việt Nam: Phần nổi của tảng băng chìm

09/10/2013 08:24 AM

Trong khi cơ cấu nguồn thu có những khoản không bền vững nhờ vào bán tài sản và tài nguyên thì nhiều khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ lại để ngoại bảng. Sự thiếu nhất toán trong cách hạch toán tài khóa khiến các con số không phản ánh đúng thực tế.

Các công trình dự án công chậm trễ gây thiệt hại, lãng phí hàng trăm tỷ đồng. 

Ngân sách thâm hụt trầm trọng

Theo nhận định của Tiến sĩ Phạm Thế Anh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách Công và Quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân), với bức tranh tài khóa tổng thể hiện nay, Việt Nam hiện chưa cân đối được thu chi ngân sách. Thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong khoảng hơn một thập kỷ qua với mức độ kể từ năm 2008 cao hơn so với những năm trước đó khi Việt Nam theo đuổi các chính sách mở rộng tài khóa nhằm tránh suy giảm kinh tế.

Cụ thể, thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc của Việt Nam trung bình trong giai đoạn 2003-2007 chỉ là 1,3% GDP, nhưng con số này đã tăng gần gấp đôi lên 2,4% GDP theo thống kê của Bộ Tài chính và tăng gần gấp ba lần lên 3,8% GDP theo thống kê của IMF trong giai đoạn 2008-2012.

Nửa đầu 2013, mặc dù nguồn thu ngân sách từ dầu thô tăng đáng kể nhờ sự lên giá của giá dầu trên thế giới, nhưng do hoạt động kinh tế trong nước tăng chậm đã khiến tình trạng thâm hụt ngân sách của Việt Nam trở nên trầm trọng hơn, lên tới 6,1% GDP bao gồm chi trả nợ gốc và 4,1% GDP chưa bao gồm chi trả nợ gốc.

Ông Thế Anh cũng cho biết, tổng thu/GDP của Việt Nam trong hai năm gần đây liên tục giảm, theo thống kê của IMF, đã giảm từ 28,6% trung bình trong giai đoạn 2006-2010 xuống còn 27,7% trong năm 2011 và 25,5% trong năm 2012. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, sự giảm thu này là do suy thoái kinh tế chứ không phải do chủ định thay đổi định hướng tài khóa của Chính phủ.

Ông chỉ ra rằng, trong cơ cấu nguồn thu NSNN của Việt Nam có nhiều khoản thu không bền vững theo nghĩa chúng phụ thuộc vào bên ngoài hoặc có nguy cơ cạn kiệt dần theo thời gian.

Cụ thể, thu từ viện trợ không hoàn lại đã giảm 0,61% GDP trung bình trong giai đoạn 2006-2010 xuống còn 0,31% GDP trung bình kể từ năm 2011 đến hết tháng 6/2013. Bên cạnh đó, thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất cũng có xu hướng ngày càng giảm dần, từ 2,35% GDP xuống chỉ còn 1,53% GDP trong cùng giai đoạn trên khi các tài sản loại này thuộc sở hữu nhà nước đang dần cạn.

Tương tự, thu từ khai thác dầu thô và các tài nguyên khác cũng có bản chất giống các khoản thu từ việc bán các tài sản quốc gia. "Việc đưa những khoản thu này vào tính toán cán cân ngân sách có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của thực trạng bội chi từ những con số báo cáo, nhưng không che giấu được những rủi ro tiềm ẩn đối với an toàn ngân sách khi nguồn tài nguyên thiên nhiên này là hữu hạn và phụ thuộc quá nhiều vào giá cả thể giới", TS Phạm Thế Anh nhận định.

Nếu loại trừ các khoản thu có tính chất này, thâm hụt ngân sách không gồm chi trả nợ gốc của Việt Nam sẽ là 9,1% GDP trong giai đoạn 2006-2010 và 8,3% GDP trong giai đoạn từ 2011 đến tháng 6/2013.

Rõ ràng, tình trạng bội chi ngân sách là nghiêm trọng ngay cả khi Việt Nam hiện đang có tỉ lệ thu/GDP cao hơn so với các nước khác trong khu vực (cao hơn 1,2 lần Trung Quốc và Thái Lan; 1,5 lần của Ấn Độ, Indonesia, Philippines và 1,7 lần của Campuchia).

Thâm hụt ngân sách vì chi quá nhiều

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng thâm hụt cao kéo dài trong nhiều năm qua, Tiến sĩ đánh giá, đó là do tổng chi NSNN quá cao chứ không phải do tổng thu thấp.

Dẫn thống kê của IMF, ông cho biết, tổng chi Chính phủ của Việt Nam ổn định ở mức xấp  xỉ 3,1% GDP kể từ năm 2006 đến nay, cao gấp 1,4 lần của Trung Quốc và Thái Lan, 1,6 lần của Indonesia và Philippines và 1,8 lần Campuchia.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có những cách hạch toán chưa theo thông lệ quốc tế: Nhiều khoản chi ngân sách từ nguồn trái phiếu Chính phủ cho các dự án giáo dục, thủy lợi, y tế... được để ngoại bảng, không tính vào chi tiêu NSNN.

Vị chuyên gia cho rằng, sự thiếu nhất quán trong cách hạch toán tài khóa khiến cho các con số thống kê không phản ánh chính xác về thực trạng chi tiêu NSNN của Việt Nam, gây khó khăn cho việc kiểm chứng thông tin cho những người tham gia thị trường. Đồng thời cũng khiến cho việc so sánh quốc tế, đánh giá và quản lý tài khóa và rủi ro nợ công của Việt Nam gặp khó khăn.

Có một vấn đề đáng lo ngại là trong cơ cấu nguồn chi, trong khi chi cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm từ 9,3% GDP trung bình trong giai đoạn 2006-2010 xuống còn 6,7% GDP trong giai đoạn 2011-6/2013 thi chi thường xuyên lại có xu hướng gia tăng từ 19,7% GDP lên tới 21,4% trong cùng giai đoạn này. Qua đó cho thấy, các nỗ lực cắt giảm chi tiêu công chủ yếu lại nằm vào phần chi cho đầu tư phát triển trong khi nhẽ ra phần phải cắt giảm mạnh là chi thường xuyên lại tăng.

Là đồng tác giả báo cáo "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam" do Ủy ban Kinh tế phát hành gần đây, ông Thế Anh cũng cho biết, do thâm hụt ngân sách kéo dài và nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây nên nghĩa vụ chi trả nợ gốc và lãi cũng đang ngày càng nặng hơn. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong hai năm 2011-2012 mỗi năm Việt Nam phải trả hơn 100.000 tỷ đồng nợ gốc và lãi, bằng hơn 50% chi đầu tư phát triển mỗi năm từ NSNN.

Bích Diệp

Theo Dân Trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,383

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn