Chính sách mới >> Tài chính 16/01/2016 10:45 AM

Giá điện sẽ tăng tối thiểu 3%/lần

16/01/2016 10:45 AM

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ được điều chỉnh giá điện trong khung cho trước nếu chi phí đầu vào tăng 3 - 5%, đồng thời ngành điện sẽ có quỹ bình ổn giá...

giá điện

Nhân viên Công ty Điện lực Gia Định ghi chỉ số đồng hồ điện và gửi thông báo giá cước điện trong tháng cho các hộ dân trên đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Trong thời gian tới giá điện sẽ điều chỉnh tối thiểu là 3%/lần - Ảnh: Hoài Linh

Đó là nội dung chính trong dự thảo quyết định Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân vừa được Bộ Công thương công bố xin ý kiến nhân dân.

Tăng giá trên 5% phải có ý kiến của Thủ tướng

Theo dự thảo của Bộ Công thương, cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hiện nay sẽ được thay đổi một phần. Cụ thể, giá bán điện bình quân sẽ được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và “chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành”. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.

Cơ chế điều chỉnh giá cũng được quy định rõ: Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định khung giá điện. Khi các chi phí đầu vào tăng làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá hiện hành từ 3 - 5% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân tương ứng. EVN chỉ cần báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

Nếu cần tăng trên 5% hoặc giá bán điện bình quân cần điều chỉnh vượt phạm vi khung giá, EVN phải lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Nếu giá đầu vào làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích quỹ bình ổn giá điện), quy định yêu cầu EVN giảm ngay giá bán điện ở mức tương ứng, bất kể mức giảm là bao nhiêu.

Dự thảo cũng giao Bộ Công thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương được quyền ra văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân, được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện bình quân...

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Đinh Thế Phúc - cục phó Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương - cho biết trước đây các quy định cũng đã cho phép EVN quyền chủ động. Dự thảo quyết định Thủ tướng lần này theo hướng tăng công khai, minh bạch và đây vẫn đang là dự thảo, sau khi có ý kiến góp ý của nhân dân sẽ có chỉnh sửa để trình Thủ tướng quyết định.

Sẽ có quỹ bình ổn giá điện?

Đặc biệt, Bộ Công thương cũng sẽ công khai công thức tính giá bán điện bình quân, trong đó giá để làm cơ sở điều chỉnh giá điện này sẽ bao gồm 10 yếu tố cấu thành, gồm tổng chi phí phát điện, tổng doanh thu cho phép khâu truyền tải điện (theo năm); tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện và lợi nhuận định mức; mức trích lập quỹ bình ổn giá điện...

Như vậy, bên cạnh quỹ bình ổn giá xăng dầu, VN sẽ có thêm quỹ bình ổn giá điện. Theo dự thảo, trong trường hợp cần thiết Nhà nước sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác theo quy định để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và sẽ tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, quỹ chỉ được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện bị “treo” (chưa được tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết. Cũng theo dự thảo, EVN được giao quyền thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện.

Trả lời Tuổi Trẻ về căn cứ lập quỹ bình ổn, căn cứ nào để quyết định xả quỹ bình ổn, ông Đinh Thế Phúc cho rằng việc lập quỹ bình ổn giá điện đã được quy định trong Luật giá năm 2012, quy chế xả quỹ sẽ do Bộ Tài chính hướng dẫn.

Theo một chuyên gia Bộ Công thương, việc ban hành dự thảo quyết định Thủ tướng lần này yêu cầu mỗi lần điều chỉnh phải tối thiểu 3%, mục đích là để tránh điều chỉnh nhỏ hoặc điều chỉnh nhiều. Ví dụ nếu không quy định, sau 3 tháng chi phí đầu vào làm giá thành tăng 2,9%, EVN đã có quyền điều chỉnh.

Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái là nếu có trường hợp giá đầu vào đã tăng 2,9% nhưng không điều chỉnh thì chu kỳ tính giá tiếp theo rất có thể giá điện sẽ phải tăng mạnh và giật cục hơn.

Quỹ bình ổn nên trích từ lợi nhuận ngành điện

Giáo sư - viện sĩ Trần Đình Long, phó chủ tịch Hội Điện lực VN, cũng cho biết ý tưởng hình thành quỹ bình ổn giá điện đã có từ lâu, giờ chỉ chính thức hóa.

Tuy nhiên, theo ông Long, nếu thành lập quỹ mà tính vào giá thành thì không nên, bởi sẽ cộng thêm một khoản chi phí tính vào giá điện, yêu cầu dân trả. “Nếu trích quỹ thì nên lấy nguồn từ lợi nhuận của ngành điện sẽ hợp lý hơn” - ông Long nói.

Không phản đối việc giao quyền cho EVN điều chỉnh giá nếu đầu vào tăng 3 - 5%, nhưng ông Long cho rằng khoảng cách giữa hai lần tăng giá nên nghiên cứu kỹ, nếu có thể thì nâng lên 6 tháng…

CẦM VĂN KÌNH

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,052

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn