Một bất cập nữa được TS Nguyễn Trí Hiếu
chỉ rõ là, mức phí các ngân hàng đang áp dụng dựa trên công thức tính toán của
quốc tế. Điều này là bất hợp lý do thu nhập của VN còn quá thấp so với thế giới.
Thu nhập bình quân của thế giới vào 20.000 đô la/người/năm, mức phí này được cho là hợp lý. Nhưng thu nhập bình quân người dân VN hiện nay chỉ khoảng 2.000 đô la/người/năm. Trong khi một chủ thẻ ATM đã phải gánh tới gần 1 triệu tiền phí là quá bất hợp lý. Bất cứ một loại phí nào từ 3.000 đồng trở lên cũng là quá cao so với lương khoảng 2-3 triệu/tháng của nhiều người dân.
Vì vậy, các ngân hàng cần phải tính toán giảm phí cho người dân càng nhiều càng tốt hoặc có thể áp dụng hình thức chia sẻ, bù trừ cho các doanh nghiệp những nơi có khả năng gánh được thuế phí.
Hậu quả lớn
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nói người Việt “gánh” tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần các nước khác trong khu vực cũng không sai. Nếu một nền kinh tế mà người dân phải chịu quá nhiều thuế phí nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới chính sách điều hành chung. Trong khi đó, chính phủ đang chủ trương xây dựng một nền kinh tế phi tiền mặt. Gánh nặng thuế phí có thể khiến người dân đi ngược lại chủ trương này và hướng tới sử dụng tiền mặt nhiều hơn.
"Người phải hứng chịu hậu quả trước tiên là Chính phủ. Sẽ rất khó kiểm soát được những dấu vết, đường đi của dòng tiền nếu người dân chuyển sang sử dụng tiền mặt, không gửi tiền qua ngân hàng. Chính phủ sẽ có nguy cơ bị thất thu thuế, thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, rửa tiền sẽ diễn ra thuận lợi, mạnh mẽ hơn, phức tạp hơn", ông Hiếu nói.
Nói rõ thêm, TS Cao Sỹ Kiêm phân tích những bất cập khi một chủ thẻ ATM phải chịu quá nhiều loại phí.
"Quá nhiều loại phí chồng lên nhau, không phù hợp vẫn đang tồn tại. Rõ ràng, việc cung cấp dịch vụ mới, tiện ích hơn thì thu phí nhiều hơn, nhưng việc thu phí của ATM hiện nay chưa có quy định thống nhất, dẫn tới hiện tượng có những ngân hàng tự đặt ra các loại phí, hoặc chất lượng dịch vụ để thu thêm.
Việc này có thể đem lại lợi ích trước mắt cho các ngân hàng là có nguồn thu bù đắp những chi phí bỏ ra. Về lâu dài nó là mối nguy hại lớn, ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế chung. Cụ thể ở đây là chính sách điều hành phi tiền mặt của Chính phủ. Giảm sức cạnh tranh, thương hiệu, uy tín của chính các ngân hàng", ông Kiêm nói.
Theo ông Kiêm, những bất cập trên sẽ gây nhũng nhiễu trong điều hành, quản lý. Chi phí cho các ngân hàng tăng lên ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển, tồn tại bền vững của một ngân hàng.
Nhất là trong bối cảnh, người Việt đang phải “gánh” tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần các nước khác trong khu vực. Cái gì cũng thuế phí trở thành gánh nặng quá lớn cho người dân. Đây không khác nào hình thức đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp . Đó là tư duy không đúng, bất cập gây hậu quả rất lớn cho cả người dân và toàn xã hội.
Nhận thức rõ mối nguy hại như vậy, ông Kiêm cho biết Quốc hội đã thông qua lần 1 Luật phí và lệ phí mới. Đây được xem là một bước tiến mới trong cải cách phí và lệ phí. Theo đó sẽ có nhiều loại thuế phí bất hợp lý được xóa bỏ.
Lam Lam
Theo Báo Đất Việt