Cải cách TTHC: Tổ chức thực hiện 25 Nghị quyết còn chậm

25/12/2014 16:32 PM

Sáng 25/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tư pháp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về công tác TTHC trong lĩnh vực tư pháp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, kết quả cụ thể trong việc kiểm soát TTHC và cải cách TTHC cho thấy, chỉ tính riêng năm 2014 Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 958 TTHC quy định tại 110 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC. Qua đó, đề nghị bỏ 109 và sửa đổi 276 TTHC (chiếm 40% số TTHC quy định trong dự thảo); tiến hành thẩm định 707 TTHC tại 88 văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC, đề nghị bỏ 108 và sửa đổi 378 TTHC không cần thiết, không hợp lý (chiếm 68,7% số TTHC quy định tại văn bản).

Ý kiến của Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế của các bộ, ngành, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hỗ trợ cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo kịp thời phát hiện, chỉnh sửa nhiều bất cập về TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời giúp cơ quan, cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thêm thông tin để quyết định ký ban hành thông qua hoặc không thông qua văn bản quy phạm pháp luật.

Kết quả cải cách TTHC của Bộ Tư pháp cho thấy, tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp là 463 thủ tục. Trong đó, thực hiện ở cấp Trung ương là 161 thủ tục, cấp tỉnh là 209 thủ tục, cấp huyện 68 thủ tục và cấp xã 61 thủ tục. Theo đó, năm 2014, các đơn vị thuộc Bộ đã đánh giá 61 TTHC trong tổng số 7 văn bản có quy định TTHC do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng. Trong 2 năm, Bộ Tư pháp đã ban hành 10 quyết định công bố TTHC trong các lĩnh vực như con nuôi, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý, hộ tịch, công chứng, giám định tư pháp, bồi thường Nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm, luật sư, tư vấn pháp luật...

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp vẫn thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện. Đó là việc tổ chức thực hiện 25 nghị quyết của Chính phủ tại một số bộ, ngành còn chậm, việc đánh giá tác động và lấy ý kiến đơn vị kiểm soát TTHC đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, việc thẩm định quy định TTHC trong một số văn bản quy phạm chưa chặt chẽ dẫn đến TTHC trên nhiều lĩnh vực còn phức tạp và tiếp tục là rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, việc công bố công khai TTHC chưa bảo đảm kịp thời, đầy đủ, không thống nhất về số lượng và nội dung thủ tục, tiến độ thực hiện Đề án 896 chậm hơn so với kế hoạch được duyệt, hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC chưa hiệu quả, việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” còn chồng chéo.

Các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Bộ Tư pháp đối với công tác cải cách TTHC, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, nhất là các chế tài công vụ đối với công chức thực thi nhiệm vụ. Mặt khác cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến các tầng lớp nhân dân đối với công tác này để người dân biết, thực hiện và giám sát cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhất là đối với các lĩnh vực gắn chặt với đời sống nhân dân như thủ tục về đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, tư pháp, một cửa liên thông...

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về công tác TTHC trong lĩnh vực tư pháp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trên tinh thần tập trung chỉ đạo các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đã làm tốt nhiệm vụ “gác cổng” về công tác cải cách TTHC của mình. Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng đánh giá đúng mức về công tác cải cách TTHC đối với các vấn đề được giao, có liên quan, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương về cách làm.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận kết quả trên chỉ là bước đầu, còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được mong đợi của người dân, vẫn là lực cản trong xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh cũng như đời sống nhân dân.

Về phương hướng, nhiệm vụ, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, mà chủ công là Bộ Tư pháp, vẫn phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên đối với cải cách TTHC. Các bộ, ngành cần thực hiện vai trò hướng dẫn các sở, ngành về công tác này trong lĩnh vực quản lý của mình. Mỗi bộ, ngành phải có một lãnh đạo trực tiếp phụ trách, chỉ đạo trực tiếp cụ thể công tác cải cách TTHC cùng với việc tăng cường cán bộ có trình độ, phẩm chất làm công tác này. Phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành trong công tác cải cách TTHC. Đồng thời, đề xuất cơ chế giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuyên sâu trong công tác cải cách TTHC nhằm có những chuyển biến cụ thể, hiệu quả trong đời sống nhân dân.

Đặc biệt, từng bộ, ngành, địa phương cần kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc, sâu sát về công tác cải cách TTHC. Lập chương trình cải cách TTHC năm 2015 của bộ, ngành và trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành đối với cán bộ làm công tác cải cách TTHC trong quá trình phối hợp làm việc.

Lê Sơn

Theo Chinhphu.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,746

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]