06/10/2011 08:33 AM

Đa số Ủy viên TVQH khi thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại phiên họp sáng 5.10 đều băn khoăn đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao thời gian qua có tới 5.000 cuộc đình công tự phát của người lao động mà tổ chức công đoàn đứng ngoài cuộc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc có hơn 5.000 cuộc đình công tự phát của người lao động xảy ra trong những năm qua nhưng tổ chức công đoàn đứng ngoài cuộc chứng tỏ quy định pháp luật về đình công không phù hợp, thế nhưng điều ông Lý băn khoăn là trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lại sửa “rất ít chữ” về nội dung này. Việc sửa các quy định để đảm bảo các cuộc đình công xảy ra đúng luật vẫn còn mang tính vụn vặt. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị “phải tổng kết lại quá trình thực thi quy định về tổ chức đình công để sửa một cách cơ bản, đảm bảo khả thi khi áp dụng trên thực tế”. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng đưa ra đề nghị tương tự khi bàn đến nội dung này.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng để tránh xảy ra các cuộc đình công tự phát của người lao động như thời gian qua, tổ chức công đoàn phải vào cuộc giải quyết ngay từ khi manh nha có bức xúc về tranh chấp, không nên để người ta tự tiến hành thỏa thuận với nhau không được rồi tự đình công.

Theo lý giải của Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính thì quy trình để tổ chức một cuộc đình công hợp pháp hiện nay là trước khi được phép đình công, phải qua hội đồng hòa giải cấp huyện, tiếp đến là hội đồng trọng tài cấp tỉnh, nếu không đạt được thỏa thuận mới đình công. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại “tắc” ở ngay khâu thứ nhất, vì vậy mà từ gần 5.000 cuộc đình công xảy ra (từ khi Luật Công đoàn có hiệu lực từ năm 1990 - PV), công đoàn phải đứng ngoài cuộc.


Công đoàn chưa phát huy vai trò trong vấn đề công nhân đình công - Ảnh: Ngọc Thắng

Lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng

Trong tờ trình về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tại phiên họp, Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ hiện còn có 2 nhóm ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất (chiếm đa số) đề nghị cần tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng. Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định hiện hành, tức là thời gian nghỉ thai sản với lao động nữ bình thường là 4 tháng, với lao động làm việc trong môi trường độc hại là 5 tháng và lao động nữ khuyết tật là 6 tháng.

Theo giải trình của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, nhiều cơ quan, tổ chức khi đóng góp ý kiến cho dự thảo luật thậm chí còn kiến nghị bổ sung chế độ cho người chồng được nghỉ từ một đến hai tuần sau khi vợ sinh (hưởng 100% lương).

 Bảo Cầm

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,856

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn