TPHCM hướng dẫn thực hiện quản lý trật tự xây dựng khi đăng ký biến động đất đai

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
10/11/2024 22:17 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung TPHCM hướng dẫn thực hiện quản lý trật tự xây dựng khi đăng ký biến động đất đai

TPHCM hướng dẫn thực hiện quản lý trật tự xây dựng khi đăng ký biến động đất đai (Hình từ internet)

TPHCM hướng dẫn thực hiện quản lý trật tự xây dựng khi đăng ký biến động đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM có Công văn 11664/STNMT-VPĐK ngày 06/11/2024 về thực hiện theo quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Theo đó, Sở Tài nguyên báo cáo UBND Thành phố quy định về giải quyết thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo quy định pháp luật đất đai như sau:

Trước đây, khi thực hiện theo Luật đất đai 2013, tại khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết, mà không có quy định Văn phòng đăng ký đất đai phải kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, công trình xây dựng trong trường hợp đăng ký biến động khác.

Đến nay, Luật đất đai 2024 đã có hiệu lực, theo Nghị định 101/2024/NĐ/CP quy định như sau:

- Khoản 8 Điều 18 quy định:

8. Đối với tài sản là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận đã cấp thì khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc đăng ký trên cơ sở thông tin về tài sản trên Giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp chủ sở hữu tài sản có yêu cầu đăng ký thay đổi tài sản; chủ sở hữu tài sản chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc thực hiện giao dịch nếu tài sản đã có thay đổi so với Giấy chứng nhận đã cấp.

- Khoản 2 Điều 19 quy định các trường hợp mà cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục không tiếp nhận hồ sơ hoặc dùng giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và trả hồ sơ cho người yêu cầu đăng ký.

- Điều 37 quy định trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, theo đó không quy định việc Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện kiểm tra hiện trạng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 13 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định:

Văn phòng đăng ký đất đai là tổ chức đăng ký đất đai, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh; có chức năng thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận), đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và hỗ trợ công tác quản lý nhà nước khác về đất đai trên địa bàn cấp tỉnh.

Không có chức năng quản lý nhà nước (kể cả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng).

Như vậy, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, đối với tài sản là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận đã cấp, Văn phòng Đăng ký và các Chi nhánh giải quyết hồ sơ đăng ký biến động trên cơ sở thông tin về tài sản trên Giấy chứng nhận đã cấp (trừ trường hợp chủ sở hữu tài sản có yêu cầu đăng ký thay đổi tài sản); việc kiểm tra xác minh hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng sai phép, không phép không được quy định trong trình tự, thủ tục đăng ký biến động và cũng không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai. Việc không tiếp nhận hồ sơ hoặc dừng giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và trả hồ sơ cho người yêu cầu đăng ký nếu có vi phạm xây dựng sẽ thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phải đảm bảo theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 101/2024/NĐ/CP.

Theo các quy định nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy khi giải quyết đăng ký biến động đối với trường hợp nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận đã cấp, nếu Văn phòng Đăng ký đất đai kiểm tra hiện trạng hoặc chuyển thông tin, lấy ý kiến của các đơn vị để xác định hiện trạng nhà ở, công trình có vi phạm xây dựng hay không theo chỉ đạo, đề nghị của một số UBND quận, huyện để phối hợp thực hiện quy chế quản lý trật tự xây dựng là không đúng trình tự, thủ tục cũng như chức năng nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn 11663/STNMT-VPĐK ngày 06/1/2024 chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng và chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện đúng quy định (đính kèm công văn).

Tuy nhiên, đối với những trường hợp đã có biên bản hoặc quyết định xử lý vi phạm xây dựng thì cần đảm bảo các quyết định này phải được thực thi, đảm bảo tính nghiêm minh của công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố tại Kế hoạch số 3333/ΚΗ-UBND ngày 12/8/2019 và Quyết định 17/2024/QĐ-UBND.

Từ những nội dung nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo giao Chủ tịch UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức như sau:

- Tăng cường chỉ đạo các giải pháp phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý trật tự xây dựng; xác định trách nhiệm kiểm tra, xử lý sai phạm không phép, sai phép là của Sở Xây dựng, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức; phường, xã, thị trấn theo đúng quy định Luật Xây dựng và Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 17/2024/QĐ-UBND; chủ động cung cấp thông tin gửi Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện và thành phố Thủ Đức về cấp giấy phép xây dựng, biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả hoặc văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn đối với những công trình vi phạm trật tự xây dựng, văn bản thông tin kết quả đã xử lý xong hành vi vi phạm xây dựng, chấm dứt áp dụng biện pháp ngăn chặn.

- Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng rà soát lại các trường hợp đã có biên bản vi phạm hoặc quyết định xử lý vi phạm, nếu xét thấy cần thiết thì có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện và thành phố Thủ Đức áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định.

Xem chi tiết nội dung tại Công văn 11664/STNMT-VPĐK ngày 06/11/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,471

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn