Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất quy định Giấy phép hành nghề thay cho Chứng chỉ hành nghề của nhà giáo

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
06/08/2024 17:58 PM

Nội dung đề xuất quy định Giấy phép hành nghề thay cho Chứng chỉ hành nghề của nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3 ).

Đề xuất quy định 'Giấy phép hành nghề' thay cho 'Chứng chỉ hành nghề' của nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo: Đề xuất quy định Giấy phép hành nghề' thay cho Chứng chỉ hành nghề của nhà giáo (Hình từ internet)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nộp hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3)

Dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3 )

Đề xuất quy định 'Giấy phép hành nghề' thay cho 'Chứng chỉ hành nghề' của nhà giáo

Cụ thể dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3) đã có nhiều sự điều chỉnh so với dự thảo Luật Nhà giáo  (dự thảo 2) đã được công bố trước đây.

Trong đó, dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3) đã đề xuất quy định 'Giấy phép hành nghề' thay cho 'Chứng chỉ hành nghề' đã được được đề xuất trước đó của nhà giáo như sau:

* Mục đích của giấy phép hành nghề dạy học

- Là điều kiện để tham gia tuyển dụng nhà giáo.

- Tạo điều kiện để nhà giáo mở rộng cơ hội hoạt động nghề nghiệp và hợp tác quốc tế.

- Bảo đảm chất lượng nhà giáo thỉnh giảng hoặc người hành nghề dạy học tự do.

- Là căn cứ để đánh giá, điều chỉnh các chương trình đào tạo sư phạm.

- Là cơ sở đánh giá quá trình phát triển nghề nghiệp liên tục của nhà giáo, bảo đảm chất lượng giáo dục.

(Điều 17 dự thảo Luật Nhà giáo)

* Nguyên tắc, nội dung và điều kiện cấp giấy phép hành nghề dạy học

- Nguyên tắc cấp giấy phép hành nghề dạy học:

+ Giấy phép hành nghề dạy học được cấp theo cấp học, trình độ đào tạo hoặc phương thức giáo dục;

+ Giấy phép hành nghề dạy học có thời hạn 10 năm và được gia hạn theo quy định;

+ Một người có thể được cấp nhiều giấy phép hành nghề dạy học nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.

- Giấy phép hành nghề dạy học gồm các thông tin cơ bản sau:

+ Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với nhà giáo là người Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với nhà giáo là người nước ngoài;

+ Trình độ, ngành hoặc chuyên ngành được đào tạo;

+ Cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng, thực hành nghề dạy học;

+ Cấp học, môn học, trình độ đào tạo hoặc lĩnh vực được phép hành nghề dạy học;

+ Thời hạn.

- Người có đủ các điều kiện sau thì được cấp giấy phép hành nghề dạy học:

+ Đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo;

+ Hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thực hành nghề tại cơ sở giáo dục theo quy định.

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao quy định mẫu giấy phép hành nghề dạy học, chương trình và cơ sở giáo dục tổ chức việc bồi dưỡng, thực hành nghề.

(Điều 18 dự thảo Luật Nhà giáo)

* Giá trị sử dụng của giấy phép hành nghề dạy học

- Giấy phép hành nghề dạy học có giá trị sử dụng trong toàn lãnh thổ Việt Nam.

- Giấy phép hành nghề dạy học có giá trị sử dụng tại quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam và theo quy định của nước sở tại.

(Điều 19 dự thảo Luật Nhà giáo)

* Cấp giấy phép hành nghề dạy học và công nhận giá trị tương đương

- Giấy phép hành nghề dạy học được cấp cho các đối tượng sau:

+ Nhà giáo đã được tuyển dụng, đang làm việc trong các cơ sở giáo dục trước ngày dự thảo Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành;

+ Cán bộ quản lý giáo dục đã có thời gian giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục trước ngày dự thảo Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành;

+ Nhà giáo thuộc trường hợp được tuyển dụng đặc cách theo quy định của dự thảo Luật Nhà giáo;

+ Nhà giáo đã được tuyển dụng, làm việc trong các cơ sở giáo dục và nghỉ hưu trước ngày dự thảo Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành;

+ Các trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 dự thảo Luật Nhà giáo.

- Giấy phép hành nghề dạy học hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với giấy phép hành nghề dạy học khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam với bên ký kết nước ngoài và còn hiệu lực.

+ Còn hiệu lực tại thời điểm đề nghị công nhận;

+ Có đủ thông tin cơ bản theo quy định tại khoản 2 Điều 18 dự thảo Luật Nhà giáo.

- Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến cấp giấy phép hành nghề dạy học và việc công nhận tương đương giấy phép hành nghề dạy học.

(Điều 20 dự thảo Luật Nhà giáo)

* Thu hồi giấy phép hành nghề dạy học

- Giấy phép hành nghề dạy học bị thu hồi trong các trường hợp:

+ Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 02 (hai) năm liên tục;

+ Nhà giáo không đạt điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề dạy học;

+ Nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải;

+ Người hành nghề dạy học tự do lợi dụng hoạt động giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự;

+ Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định.

- Trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề dạy học theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật Nhà giáo, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề không đúng thì được cấp lại.

- Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến thu hồi giấy phép hành nghề dạy học.

(Điều 21 dự thảo Luật Nhà giáo)

Xem thêm nội dung tại dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn