Thứ tự ưu tiên chấp hành báo hiệu đường bộ theo Luật mới

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
24/07/2024 22:03 PM

Dưới đây là nội dung quy định thứ tự ưu tiên chấp hành báo hiệu đường bộ theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.

Thứ tự ưu tiên chấp hành báo hiệu đường bộ theo Luật mới

Thứ tự ưu tiên chấp hành báo hiệu đường bộ theo Luật mới (Hình từ internet)

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024.

Thứ tự ưu tiên chấp hành báo hiệu đường bộ theo Luật mới

Theo khoản 2 Điều 11 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định về thứ tự ưu tiên chấp hành báo hiệu đường bộ, cụ thể:

Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:

(1) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;

(2) Tín hiệu đèn giao thông;

(3) Biển báo hiệu đường bộ;

(4) Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;

(5) Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang,
 cột Km, cọc H;

(6) Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.

Như vậy, theo quy định trên thì người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới, theo đó thì hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là ưu tiên chấp hành số 1 khi gặp phải hiệu lệnh này, kế đến là đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu đường bộ,...

Tại quy định hiện hành, theo Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 (áp dụng tới hết ngày 31/6/2025) quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:

- Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

- Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

- Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.

- Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

 Quy định về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024

Cũng theo khoản 3 Điều Điều 11 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông như sau:

- Tay bên phải giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở tất cả các hướng phải dừng lại;

- Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông đường bộ ở phía bên phải và bên trái người điều khiển giao thông được đi;

- Tay bên phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông đường bộ ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông đường bộ ở phía bên trái người điều khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.

Xem thêm tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,549

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn