Tiêu chuẩn trở thành Thẩm phán Tòa án nhân dân từ ngày 01/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
23/07/2024 09:45 AM

Tiêu chuẩn trở thành Thẩm phán Tòa án nhân dân từ ngày 01/01/2025 là nội dung tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.

Tiêu chuẩn trở thành Thẩm phán Tòa án nhân dân từ ngày 01/01/2025

Tiêu chuẩn trở thành Thẩm phán Tòa án nhân dân từ ngày 01/01/2025 (Hình từ Internet)

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 24/6/2024.

Tiêu chuẩn trở thành Thẩm phán Tòa án nhân dân từ ngày 01/01/2025

Theo Điều 94 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 thì tiêu chuẩn Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau:

(1) Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và với Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

(2) Có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên.

(3) Có trình độ cử nhân luật trở lên.

(4) Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.

(5) Có thời gian làm công tác pháp luật.

(6) Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hiện hành, tại Điều 67 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì tiêu chuẩn Thẩm phán như sau:

- Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

- Có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.

- Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân từ ngày 01/01/2025

Theo Điều 95 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 thì điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau:

- Người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 94 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân; nếu là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thuộc các Tòa án quân sự:

+ Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 05 năm trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật;

+ Đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân.

- Trong trường hợp đặc biệt, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 3, 5 và 6 Điều 94 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân; nếu là sỹ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thuộc các Tòa án quân sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án quân sự khu vực;

+ Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự trung ương.

Quy định về điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm phán Tòa án nhân dân từ ngày 01/01/2025

Quy định về điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm phán Tòa án nhân dân theo Điều 106 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 như sau:

- Việc điều động Thẩm phán Tòa án nhân dân nhằm bảo đảm cho các Tòa án thực hiện nhiệm vụ xét xử và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Việc luân chuyển Thẩm phán Tòa án nhân dân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý Tòa án được thực hiện để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch cán bộ.

- Việc biệt phái Thẩm phán Tòa án nhân dân được thực hiện để bảo đảm cho các Tòa án thực hiện nhiệm vụ xét xử và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Thời hạn biệt phái Thẩm phán Tòa án nhân dân không quá 03 năm.

- Việc điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm phán Tòa án nhân dân được thực hiện theo phân cấp của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định phân cấp việc điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm phán Tòa án nhân dân.

- Việc điều động, luân chuyển Thẩm phán Tòa án nhân dân thuộc các Tòa án quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Việc biệt phái Thẩm phán Tòa án nhân dân từ Tòa án quân sự này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Tòa án quân sự khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 hết hiệu lực từ ngày Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 152 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 390

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn