Không giao đất được cho thôi việc

20/03/2014 08:09 AM

Chính quyền đã yêu cầu cơ quan nơi người dân làm việc gây sức ép buộc họ chấp nhận việc giải tỏa, bồi thường đất.

Chuyện xảy ra tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, nơi UBND huyện đang tiến hành thu hồi 12 ha đất nông nghiệp của 200 hộ dân để làm dự án khu dân cư.

Dọa chuyển nơi công tác

Ngày 12-3, gia đình cô giáo tiểu học Nguyễn Thị Hương (thôn Trung Đồng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhận được công văn của trưởng Phòng Giáo dục huyện gửi cho hiệu trưởng trường với nội dung “yêu cầu cô thuyết phục gia đình mình nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng”. Đồng thời, công văn cũng đề nghị hiệu trưởng cho cô nghỉ việc, bố trí người khác thay thế để cô “tập trung thực hiện nhiệm vụ thuyết phục, vận động gia đình nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng”. Trước đó, cô cũng đã nhiều lần được mời lên phòng hiệu trưởng để làm việc với hiệu trưởng và... phó chủ tịch huyện.

Sở dĩ có những việc “quấy rầy” nói trên là do chồng cô Hương có ba sào ruộng mà UBND huyện đã có quyết định thu hồi đất. Cho rằng giá bồi thường đất quá thấp nên chồng cô không đồng ý giao đất. Không thuyết phục được người chồng, chính quyền huyện mới gây áp lực lên cô. “Họ làm đủ cách như đòi cắt thi đua, bắn tiếng sẽ chuyển công tác vợ tôi đi xa. Bây giờ tinh thần cô ấy rất mệt mỏi...” - chồng cô Hương bức xúc.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Hợi cũng có hơn năm sào ruộng nằm trong diện bị thu hồi. Không thuyết phục được ông, huyện đã gửi công văn đề nghị Nhà máy phân đạm Bắc Giang - nơi con trai ông đang làm việc - cho anh nghỉ việc một thời gian để về nhà vận động gia đình nhận tiền bồi thường đất. “Chính quyền thu hồi ruộng mà không tổ chức họp dân. Đùng một cái họ kêu tôi lên UBND xã Đức Thắng để nhận tiền bồi thường. Tôi chưa kịp có ý kiến gì thì họ đã cho xới tung ruộng của tôi lên!”.

Ngoài cô Hương, ông Hợi thì nhiều người bị thu hồi đất khác cũng bị chính quyền làm khó: Người bị ghi thông tin xấu vào lý lịch, người không được xét kết nạp Đảng, người bị dọa đuổi việc...


Khu đất ruộng dự án và công văn của UBND huyện Hiệp Hòa. Ảnh: ND

Chính quyền nói gì?

Làm việc với Pháp Luật TP.HCMngày 19-3, ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) thừa nhận huyện đã gửi nhiều công văn đề nghị nhiều cơ quan yêu cầu những người liên quan thực hiện chủ trương của chính quyền. Bên cạnh đó, chính quyền cũng dùng nhiều biện pháp khác để tác động thêm.

Khi chúng tôi đặt vấn đề “những người bị tác động không phải là đối tượng được bồi thường đất và có nghĩa vụ giao đất” thì ông Chính cho biết: “Tuy không phải là chủ thể trực tiếp nhưng họ phải có trách nhiệm thuyết phục người nhà thực hiện chủ trương của chính quyền”. Theo ông thì “đây là vấn đề đạo lý để những người liên quan, nhất là đảng viên, vận động người nhà mình phải có trách nhiệm với công việc của địa phương”. “Chúng tôi không làm thế thì biết làm thế nào!” - ông Chính nói thêm.

Cũng theo ông Chính thì “huyện không làm gì sai với pháp luật”. Cụ thể, huyện đã tổ chức họp để thông báo các kế hoạch giải phóng mặt bằng và các chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì biên bản cuộc họp này chỉ có chữ ký của hai người là bí thư và trưởng thôn (!).

Nguyễn Dân

Theo Pháp luật TP. HCM

“Để đẩy nhanh tiến độ dự án”

Đây cũng là lý do mà UBND thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) áp dụng hình thức ép dân giao đất giống như huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).

Theo báo VnExpress, trong dự án cầu vượt đường sắt thị xã Tam Điệp (Ninh Bình), UBND thị xã Tam Điệp đã đánh công văn hỏa tốc yêu cầu cán bộ, đảng viên mà gia đình nằm trong diện giải tỏa phải động viên người thân nhận tiền, bàn giao mặt bằng, nếu không sẽ bị nghỉ việc.

Ông Vũ Ngọc Châu, Chủ tịch UBND thị xã Tam Điệp, cho biết vấn đề này đã được Thị ủy thống nhất. “Xác định đây cũng là nhiệm vụ chính trị nên chúng tôi cho cán bộ nghỉ việc cơ quan nhưng vẫn hưởng lương để họ ở nhà vận động người thân. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ dự án” - ông Châu nói.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,794

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]