03 trường hợp tổ chức tín dụng được kinh doanh bất động sản

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/07/2024 18:30 PM

Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau đây.

03 trường hợp tổ chức tín dụng được kinh doanh bất động sản

03 trường hợp tổ chức tín dụng được kinh doanh bất động sản (Hình từ Internet)

03 trường hợp tổ chức tín dụng được kinh doanh bất động sản

Theo Điều 139 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, để bảo đảm an toàn trong hoạt động, tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau đây:

(1) Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng;

(2) Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng chưa sử dụng hết;

(3) Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này. Trường hợp mua lại bất động sản phải bảo đảm mục đích sử dụng tại mục (1) và tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định quy định tại khoản 3 Điều 144 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:

- Không được vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô;

- Không được vượt quá 100% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với quỹ tín dụng nhân dân;

- Không được vượt quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp ghi trên sổ sách kế toán đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Quy định về hạn chế cấp tín dụng

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn trong hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải hạn chế cấp tín dụng theo quy định tại Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:

(1) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho tổ chức, cá nhân sau đây:

(i) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; người ra quyết định thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, người giám sát hoạt động đoàn thanh tra đang thanh tra tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;

(ii) Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân đó;

(iii) Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng đó;

(iv) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;

(v) Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó, trừ trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân;

(vi) Công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp cấp tín dụng cho công ty con là tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc.

(2) Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định tại các điểm (i), (ii), (iii) (iv), (v) khoản (1) không được vượt quá 05% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

(3) Việc cấp tín dụng đối với đối tượng quy định tại khoản (1) phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng thông qua, trừ việc cấp tín dụng đối với đối tượng quy định tại điểm (v) khoản (1)  thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Việc cấp tín dụng phải được công khai trong tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

(4) Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một đối tượng quy định tại điểm (vi) khoản (1) không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tín dụng; đối với tất cả các đối tượng quy định tại điểm (vi) khoản (1) không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

(5) Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản (2) bao gồm cả tổng mức mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại các điểm (i), (iii) và (iv) khoản (1) phát hành; tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản (4) bao gồm cả tổng mức mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu do các đối tượng quy định tại điểm (v) khoản (1) phát hành.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,278

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]