Dự thảo Thông tư hướng dẫn giá bán điện 2014

04/03/2014 10:04 AM

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn giá bán điện năm 2014 của Bộ Công thương, đối với giá bán lẻ điện sinh hoạt, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội sẽ được áp dụng giá của bậc 1 (993 đồng/kWh) cho 50 kWh đầu tiên trong tháng. Còn đối với người thuê nhà, chủ nhà hoặc đại diện người thuê trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện. Nếu vậy, người thuê nhà sẽ không bị chủ nhà "lập lờ” giá điện để phải trả giá cao.


Ảnh: Hoàng Long

Người thuê "ngậm đắng”

Theo Dự thảo  Thông tư của Bộ Công thương, đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà hoặc đại diện người thuê trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện. Trường hợp thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng thì chủ nhà phải trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện. Trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hằng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung. Thông tư này dự kiến sẽ được ban hành và có hiệu lực sau khi có quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán điện năm 2014.

Thời gian qua, đã và đang tồn tại thực trạng người đi thuê nhà (chủ yếu là sinh viên và người lao động ở nông thôn), bị chủ nhà trọ bán giá điện theo kiểu "một mình một chợ”. Giá bán lẻ điện của Nhà nước được quy định ở mức 1.835 đồng/kWh, và phải tiêu thụ rất nhiều điện (trên 400 kWh) người tiêu dùng mới phải trả mức 2.420 đồng/kWh. Thế nhưng, chưa bao giờ, những người lao động, sinh viên thuê nhà được trả tiền điện theo đúng giá của Nhà nước quy định. Họ phải trả giá cao lên gấp 2 - 3 lần so với mức quy định.

Theo khảo sát của PV, hầu hết tại các khu nhà trọ ở khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Mỹ Đình (Hà Nội)… giá điện đến tay người thuê nhà đều được chủ nhà "thét” lên mức 3.500 đồng đến 4.000 đồng/kWh. Vậy nhưng, người đi thuê hầu hết đều phải "ngậm bồ hòn làm ngọt”. 

Lý do được anh Nguyễn Hoàng Nam, một sinh viên thuê trọ ở phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: "Mặc dù chủ nhà tính giá tiền điện rất cao, song nếu người thuê chúng tôi phản ứng là kiểu gì cũng bị chủ nhà kiếm cớ buộc phải dọn đi”. 

Chị Nguyễn Mai Linh ở trọ tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cũng cho biết, hai vợ chồng chị thuê một căn hộ với giá 2,3 triệu đồng/ tháng, cộng thêm tiền điện thường phải trả trên 400.000 đồng/ tháng, vậy là mỗi tháng đi đứt mất gần 3 triệu đồng. "Ở đây khách trọ chúng tôi không bao giờ được trả tiền điện theo đúng giá quy định của Nhà nước, mặc dù giá nhà chúng tôi đã phải chịu mức cao, nhưng tiền điện chủ nhà vẫn đội lên, biết là bị "cắt cổ” nhưng vẫn phải "ngậm đắng”. 


Ảnh:Hoàng Long

Quy định có được thực hiện nghiêm?

Từ lâu, đối với những người phải đi thuê nhà trọ, câu chuyện giá điện cao đã không còn lạ lẫm. Và họ, những đối tượng vốn đã nghèo sẽ lại càng nghèo thêm vì phải gánh thêm khoản tiền điện cao hơn mức bình thường. Với việc Thông tư nói trên của Bộ Công thương, nếu đi vào thực tiễn, hy vọng giá điện đến tay người thuê trọ sẽ công bằng hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu quy định có được thực hiện một cách nghiêm túc hay không, khi mà cả Nghị định còn bị các chủ nhà trọ phớt lờ?

Bởi, để quản lý vấn đề giá điện đối với các khách hàng có nhà cho thuê, trong Nghị định số 134/2013 có nêu rõ rằng: Người cho thuê nhà nếu thu tiền điện cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng. Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà trọ, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Nếu thực hiện đúng như quy định được nêu ra trong Nghị định 134, cứ 4 người thuê trọ sẽ được áp dụng cách tính giá điện đối với một hộ gia đình, như vậy áp lực về gánh nặng giá điện đối với những người thuê trọ sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, dù đã được áp dụng từ 1-12-2013, song đến nay, người đi thuê trọ vẫn phải oằn lưng trả giá điện cao theo "giá riêng” của chủ nhà trọ mà không hề thấy một đối tượng nào bị phạt.

Đến Nghị định còn bị làm ngơ như vậy, liệu Thông tư nói trên của Bộ Công thương có được thực hiện một cách nghiêm túc, hay lại rơi vào tình trạng quy định vẫn chỉ là quy định cho có mà thôi (?)

Tại buổi họp báo Bộ Công thương thường kỳ diễn ra chiều qua (3-3), câu hỏi về vấn đề giá điện tiếp tục được quan tâm bởi đây là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất của DN cũng như sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, không ít ý kiến đặt nghi vấn, khi chỉ số CPI tăng thấp trong hai tháng đầu năm, liệu đây có phải là "cái cớ” để ngành điện rậm rịch điều chỉnh giá điện trong thời gian tới. Phản hồi ý kiến này, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết: Trong thời gian tới, giá điện có được điều chỉnh hay không còn phụ thuộc đến nhiều văn bản của Chính phủ quy định về giá bán lẻ điện bình quân. Nếu điều chỉnh, ngành điện cũng phải tuân thủ các quy định đó. "Tuy nhiên, ở thời điểm này, tôi xin khẳng định chưa có bất cứ một dự án nào về việc điều chỉnh giá điện của EVN”.

Duy Phương

Theo Đại Đoàn Kết

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,751

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn