07 tiêu chí xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” trong giải quyết nuôi con khi ly hôn

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
25/05/2024 11:45 AM

Khi xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” trong giải quyết nuôi con khi ly hôn thì phải dựa trên các tiêu chí theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP.

07 tiêu chí xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” trong giải quyết nuôi con khi ly hôn

07 tiêu chí xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” trong giải quyết nuôi con khi ly hôn (Hình từ Internet)

07 tiêu chí xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” trong giải quyết nuôi con khi ly hôn

Theo đó, khi xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì phải đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí sau đây:

(i) Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;

(ii) Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;

(iii) Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;

(iv) Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;

(v) Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;

(vi) Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;

(vii) Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.

Lưu ý: Các tiêu chí nêu trên sẽ áp dụng từ ngày 01/7/2024.

(Khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP)

Quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

Cụ thể tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật dân sự 2015 và các luật khác có liên quan.

- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Quy định về đại diện cho con theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014

Theo pháp luật hôn nhân và gia đình, việc đại diện cho con được quy định như sau:

(1) Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.

(2) Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

(3) Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.

(4) Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại (2), (3) và theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

(Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,122

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn