Đề xuất thêm trường hợp xe máy được chở 2 người (Hình từ internet)
Theo khoản 1 Điều 33 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đề xuất quy định về người lái xe, người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy như sau:
- Người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
+ Chở người bệnh đi cấp cứu;
+ Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
+ Trẻ em dưới 12 tuổi;
+ Người già yếu hoặc người khuyết tật.
Như vậy, so với quy định hiện hành thì Dự thảo đã đề xuất bổ sung thêm một trường hợp mới mà xe máy được phép chở tối đa 2 người là khi chở người già yếu hoặc người khuyết tật.
Theo quy định hiện nay, tại khoản 1 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
- Trẻ em dưới 14 tuổi.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng đề xuất thêm các quy định khác về về người lái xe, người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy như:
- Người lái xe, người được chở trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng và cài quai đúng quy cách.
- Người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
+ Đi xe dàn hàng ngang;
+ Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
+ Sử dụng ô, thiết bị âm thanh trừ thiết bị trợ thính;
+ Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
+ Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang, vác và chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên xe, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định;
+ Ngồi về một bên điều khiển xe; đứng, nằm trên xe điều khiển xe; thay người lái xe khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy;
+ Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Người được chở trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:
+ Mang, vác vật cồng kềnh;
+ Sử dụng ô;
+ Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;
+ Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;
+ Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hành lý, hàng hóa quá bề rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 mét và vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5 mét theo thiết kế của nhà sản xuất. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không quá 02 mét.
- Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Được cấp chứng nhận đăng ký và gắn biển số theo quy định;
+ Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
- Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe ô tô chở người từ 09 chỗ trở lên (kể cả chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
- Phương tiện giao thông thông minh bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 35 Dự thảo Luật này và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động theo quy định.
- Phương tiện gắn biển số nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thực hiện theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc đã ký kết.
- Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều 35 Dự thảo Luật này; quy định điều kiện hoạt động của xe thô sơ.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương.
(Điều 35 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ)
Xem thêm các nội dung được đề xuất mới tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Lê Nguyễn Anh Hào