Đề xuất: Người mất năng lực hành vi dân sự khi tham gia giao thông phải có người dẫn dắt

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/05/2024 16:42 PM

Tôi được biết, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có đề xuất người mất năng lực hành vi dân sự khi tham gia giao thông phải có người dẫn dắt có đúng không? - Chị Lâm (Cần Thơ)

Đề xuất bổ sung: Người mất năng lực hành vi dân sự khi tham gia giao thông phải có người dẫn dắt

Đề xuất bổ sung: Người mất năng lực hành vi dân sự khi tham gia giao thông phải có người dẫn dắt (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ 

Căn cứ Điều 4 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ như sau:

- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Bảo đảm giao thông đường bộ được thông suốt, trật tự, an toàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân; tài sản của cơ quan, tổ chức.

- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Người tham gia giao thông phải chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm giữ an toàn cho mình và cho người khác.

- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

- Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân.

- Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Đề xuất người mất năng lực hành vi dân sự khi tham gia giao thông phải có người dẫn dắt

Căn cứ khoản 2 Điều 30 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định về người đi bộ, người khuyết tật, già yếu, người mất năng lực hành vi dân sự, phụ nữ mang thai, trẻ em phải tuân thủ các quy định sau.

Người đi bộ phải tuân thủ các quy định sau đây:

+ Phải đi trên hè phố, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có hè phố, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình;

+ Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ;

+ Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay;

+ Không được vượt qua dải phân cách; đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Người khuyết tật, già yếu, người mất năng lực hành vi dân sự, phụ nữ mang thai, trẻ em phải tuân thủ các quy định sau đây:

+ Người khuyết tật sử dụng xe lăn có hoặc không có động cơ phải đi trên vỉa hè. lề đường và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ;

+ Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dẫn dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết là người khiếm thị;

+ Người mất năng lực hành vi dân sự khi tham gia giao thông phải có người dẫn dắt;

+ Trẻ em dưới 07 tuổi khi đi qua đường phải có người lớn dẫn dắt;

+ Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, già yếu, người mất năng lực hành vi dân sự, trẻ em dưới 07 tuổi, phụ nữ mang thai khi đi qua đường.

Thế nào là người mất năng lực hành vi dân sự? 

Căn cứ khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau về mất năng lực hành vi dân sự: 

Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Như vậy, Dự thảo Luật đề xuất người mất năng lực hành vi dân sự khi tham gia giao thông phải có người dẫn dắt.

Xem thêm nội dung tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nguyễn Minh Khôi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 455

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn