Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư hiện hành chưa xác định rõ quy trình cũng như nội dung cụ thể của việc thực hiện dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến giai đoạn thực hiện đầu tư và chấm dứt dự án đầu tư.
Mặt khác, các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cũng chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật nên đã dẫn đến sự chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt, đồng thời không có sự kế thừa, công nhận kết quả của nhau. Cơ chế “một cửa” đang thực hiện ở một số địa phương mới chỉ thiết lập được quy trình một đầu mối trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, nhưng trên thực tế, nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau của UBND cấp tỉnh để được giải quyết lần lượt thủ tục hành chính theo quy định các luật khác nhau. Kết quả rà soát thủ tục hành chính cho thấy, nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường để triển khai dự án đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp và là một trong những “nút thắt” phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Trên tinh thần đó, tại dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi căn bản quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hướng xác định rõ các yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư và trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương trong việc cung cấp thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng và các quy hoạch liên quan đến hoạt động đầu tư, làm cơ sở để nhà đầu tư chuẩn bị dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đồng thời, thay Giấy chứng nhận đầu tư bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm phản ánh mục đích, bản chất của loại giấy này là ghi nhận việc nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư, không phải là Nhà nước xác nhận việc nhà đầu tư đã thực hiện dự án.
Tại dự thảo Luật Đầu tư, Bộ cũng đề xuất thu hẹp đáng kể diện các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm: (i) Dự án đề nghị Nước giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất; (ii) Dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo quy định tại Điều 25 Luật này; (iii) Dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường; (iv) Dự án thuộc diện hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Bộ cũng đề xuất thiết lập cơ chế một cửa tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thông qua Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo cơ chế này, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự án đầu tư gồm dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư và tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng...
Bên cạnh đó, quy định nội dung hồ sơ và thẩm tra dự án đầu tư theo hướng Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức xem xét, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh về các nội dung thẩm tra mà không yêu cầu nhà đầu tư phải đến từng cơ quan để thực hiện các thủ tục khác nhau.
Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm theo hướng yêu cầu tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đơn giản trong trường hợp này (Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền không thẩm tra, xem xét lại những nội dung đã được thẩm tra, xem xét trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).
Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo tại đây.
Thanh Hoài
Theo Báo điện tử Chính phủ