Quy định về trích lập dự phòng rủi ro của NHNN

14/01/2014 10:01 AM

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 39/2013/TT-NHNN quy định về việc xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.


Ảnh minh họa

Theo Thông tư, hàng năm, Ngân hàng Nhà nước trích lập dự phòng rủi ro và hạch toán vào chi phí bằng 10% chênh lệch thu, chi chưa bao gồm khoản chi dự phòng rủi ro. Số dư dự phòng rủi ro sau thời điểm trích lập không vượt quá số dự phòng rủi ro cần phải trích lập.

Khoản dự phòng rủi ro được sử dụng chung để bù đắp những tổn thất, thiệt hại về tài sản xảy ra trong quá trình hoạt động sau khi đã được bù đắp bằng tiền bồi thường của các tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất và tổ chức bảo hiểm (nếu có).

Theo Thông tư, khoản dự phòng rủi ro chưa sử dụng hết trong năm được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp. Trường hợp khoản dự phòng rủi ro không đủ bù đắp các tổn thất, việc xử lý phần còn thiếu sẽ được thực hiện theo quy định tại Chế độ tài chính hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp số dự phòng rủi ro cần phải trích lập nhỏ hơn số dư dự phòng rủi ro trước thời điểm trích lập, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hoàn nhập phần chênh lệch vào thu nhập của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư cũng quy định rõ việc phân loại tài sản có rủi ro, phương pháp xác định và tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro. đồng thời, quy định sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý tổn thất. Trong đó, Thông tư quy định rõ, thời điểm xác định, trích lập và hạch toán dự phòng rủi ro là thời điểm cuối kỳ kế toán năm (cuối ngày 31/12 hàng năm).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý các khoản tổn thất trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xử lý tổn thất. Riêng đối với các khoản nợ (gốc và lãi) được xóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng không được Chính phủ cấp nguồn đề bù đắp cho Ngân hàng Nhà nước; các khoản thanh toán với Nhà nước và Ngân sách Nhà nước được xử lý theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì Hội đồng xử lý tổn thất phải báo cáo, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến Bộ Tài chính và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi lập phương án xử lý.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2014.

Rủi ro trong hoạt động Ngân hàng Nhà nước là tổn thất có khả năng xảy ra trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Nhà nước bao gồm: Khả năng tổn thất đối với tài sản có rủi ro của Ngân hàng Nhà nước do khách hàng, đối tác không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết; khả năng tổn thất do việc giảm giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, vàng và chứng khoán đã đầu tư; khả năng tổn thất do những nguyên nhân bất khả kháng khác.

Khoản dự phòng rủi ro là tổng số tiền dự phòng rủi ro đã được trích lập, hạch toán vào chi phí qua các năm để bù đắp tổn thất trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

Bảo Lâm

Theo Báo điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,303

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn