Quy định mới về xử lý tình huống ngân hàng bị rút tiền hàng loạt từ ngày 01/07/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
19/02/2024 11:21 AM

Khi xảy ra tình huống ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ quy định cách xử lý như thế nào? – Ngọc Vân (Đồng Tháp)

Quy định mới về xử lý tình huống ngân hàng bị rút tiền hàng loạt từ ngày 01/07/2024

Quy định mới về xử lý tình huống ngân hàng bị rút tiền hàng loạt từ ngày 01/07/2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Đây là nội dung được đề cập tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua vào ngày 18/01/2024 (tại Kỳ họp bất thường lần thứ 05).

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bản chính thức mới nhất

Quy định mới về xử lý tình huống ngân hàng bị rút tiền hàng loạt từ ngày 01/07/2024

Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, rút tiền hàng loạt là việc tổ chức tín dụng bị nhiều người gửi tiền cùng rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng chi trả theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Khi xảy ra tình huống trên, các tổ chức tín dụng (gọi chung là ngân hàng) sẽ phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và thực hiện ngay các biện pháp sau đây:

- Không chia cổ tức bằng tiền mặt; tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động khác có sử dụng nguồn tiền của tổ chức tín dụng; các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu chi trả tiền gửi cho khách hàng;

- Thực hiện các biện pháp tại phương án khắc phục trong tình huống bị rút tiền hàng loạt quy định tại Điều 143 Luật Các tổ chức tín dụng 2024; cập nhật, điều chỉnh phương án trong trường hợp cần thiết.

Trong trường hợp ngân hàng đang được can thiệp sớm bị rút tiền hàng loạt, ngân hàng đó phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình trạng rút tiền hàng loạt và rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng, điều chỉnh phương án khắc phục theo quy định tại Điều 158 và Điều 160 Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Ngân hàng thực hiện phương án khắc phục đã được xây dựng, điều chỉnh.

Khi bị rút tiền hàng loạt, ngân hàng được áp dụng biện pháp hỗ trợ sau đây:

- Bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước trên nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất 0%;

- Thực hiện giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm thanh khoản theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

- Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước; vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; vay đặc biệt từ tổ chức tín dụng khác.

(Điều 191 Luật Các tổ chức tín dụng 2024)

Các hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng (Mới nhất)

Tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

Từ ngày 01/07/2024, các tổ chức tín dụng sẽ có các hình thức pháp lý như sau:

(1) Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và trường hợp thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

(2) Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

(3) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

(4) Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

(5) Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã.

(6) Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

(Khoản 38 Điều 4 và Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng 2024)

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ quy định tại Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 8, 9, 12 và 14 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,338

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn