Đề xuất 02 trường hợp hủy số định danh cá nhân từ ngày 01/07/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
05/01/2024 08:30 AM

Tôi muốn biết Bộ Công an đang đề xuất các trường hợp nào sẽ hủy số định danh cá nhân từ ngày 01/07/2024? – Minh Hoàng (Long An)

Đề xuất 02 trường hợp hủy số định danh cá nhân từ ngày 01/07/2024

Đề xuất 02 trường hợp hủy số định danh cá nhân từ ngày 01/07/2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bộ Công an đang lấy ý kiến nhân dân dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023, trong đó quy định hủy số định danh cá nhân của công dân Việt Nam.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023

Đề xuất 02 trường hợp hủy số định danh cá nhân từ ngày 01/07/2024

Cụ thể tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo Nghị định đã đề xuất 02 trường được hủy và xác lập lại số định danh cá nhân, bao gồm:

(1) Công dân được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh theo quy định của pháp luật;

(2) Có sai sót về thông tin nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi đó, Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an sẽ quyết định việc hủy số định danh cá nhân đối với các trường hợp nêu trên.

Sau khi quyết định hủy số định danh cá nhân cho công dân thì cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an cập nhật số định danh cá nhân mới cho công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo bằng văn bản cho công dân về việc xác lập lại số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân đã bị hủy được lưu vào dữ liệu thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không được sử dụng để cấp cho công dân khác.

Hiện hành quy định về hủy số định danh cá nhân đã cấp đang được thực hiện theo Điều 16 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Điều 16. Hủy số định danh cá nhân đã cấp

1. Khi phát hiện số định danh cá nhân đã cấp có sai sót do nhập sai thông tin về công dân, thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an ra quyết định hủy số định danh cá nhân đó và cấp lại số định danh cá nhân khác cho công dân; tổ chức thực hiện việc điều chỉnh số định danh cá nhân và thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và các hồ sơ, tàng thư liên quan.

2. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm thông báo cho công dân và cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch về việc hủy, cấp lại số định danh cá nhân của công dân để làm thủ tục điều chỉnh giấy tờ, dữ liệu hộ tịch có liên quan; cấp giấy xác nhận về việc hủy và cấp lại số định danh cá nhân theo yêu cầu của công dân, cơ quan, tổ chức.

Theo Điều 12 Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2024), số định danh cá nhân của công dân Việt Nam là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân Việt Nam.

Số định danh cá nhân này do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và xác lập cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác và dùng để cấp thẻ căn cước, khai thác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trung tâm dữ liệu quốc gia và cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023 sẽ quy định chi tiết khoản 26 Điều 9, khoản 11 Điều 10, khoản 4 Điều 12, khoản 2 Điều 16, khoản 5 Điều 16, khoản 6 Điều 22, khoản 5 Điều 23, khoản 5 Điều 25, khoản 6 Điều 29, khoản 6 Điều 30, khoản 4 Điều 41 của Luật Căn cước 2023, gồm các nội dung sau:

1. Thông tin khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân của công dân Việt Nam.

4. Chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

5. Thu thập, cập nhật, điều chỉnh, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

6. Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp.

7. Trình tự, thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước.

8. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước.

9. Trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

10. Giữ thẻ căn cước; trình tự, thủ tục thu hồi, giữ, trả lại thẻ căn cước.

11. Quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước;

12. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại và thời hạn sử dụng của giấy chứng nhận căn cước.

13. Xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân.

14. Sao lưu, phục hồi dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước.  

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,263

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn