Chế độ trợ cấp đối với chiến sĩ Công an nhân dân tham gia chống Mỹ đã xuất ngũ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
09/10/2023 13:00 PM

Xin hỏi chế độ trợ cấp đối với chiến sĩ Công an nhân dân tham gia chống Mỹ đã xuất ngũ được quy định thế nào? - Nghĩa Tuấn (Nghệ An)

Chế độ trợ cấp đối với chiến sĩ Công an nhân dân tham gia chống Mỹ đã xuất ngũ (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chế độ trợ cấp đối với chiến sĩ Công an nhân dân tham gia chống Mỹ đã xuất ngũ

1.1 Chế độ trợ cấp hàng tháng 

Theo Điều 4 Thông tư 41/2023/TT-BCA quy định Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia chống Mỹ đã thôi việc, xuất ngũ tại địa phương được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng như sau:

- Cán bộ, chiến sĩ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 41/2023/TT-BCA thuộc một trong các trường hợp sau thì được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng:

+ Có thời gian công tác được tính hưởng chế độ từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm;

+ Có thời gian công tác được tính hưởng chế độ từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương sau đó công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hoặc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

-  Cách tính hưởng

Trợ cấp hằng tháng được tính theo số năm công tác thực tế được tính hưởng chế độ; từ đủ 15 năm được trợ cấp hằng tháng mức 813.614 đồng/người/tháng, sau đó cứ thêm một năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 5%, cụ thể:

+ Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 813.614 đồng/người/tháng;

+ Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 854.295 đồng/người/tháng; 

+ Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 894.975 đồng/người/tháng; 

+ Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 935.656 đồng/người/tháng; 

+ Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 976.337 đồng/người/tháng.

1.2 Chế độ trợ cấp 1 lần

- Cán bộ, chiến sĩ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 41/2023/TT-BCA (trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 41/2023/TT-BCA) thuộc một trong các trường hợp sau thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần:

+ Có thời gian công tác được tính hưởng chế độ dưới 15 năm;

+ Có thời gian công tác được tính hưởng chế độ dưới 15 năm; sau khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương tiếp tục công tác ở xã, phường, thị trấn có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

+ Có thời gian công tác được tính hưởng chế độ dưới 20 năm; sau khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương tham gia công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng trợ cấp hằng tháng hoặc lương hưu hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Cách tính hưởng

Trợ cấp một lần được tính theo số năm công tác được tính hưởng chế độ, cụ thể: Từ đủ 02 năm (24 tháng) trở xuống, mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng; từ năm thứ 03 trở đi, cứ mỗi năm mức hưởng trợ cấp một lần được cộng thêm 800.000 đồng.

Mức trợ cấp một lần được tính theo công thức:

Mức hưởng = 2.500.000 đồng + [(số năm công tác được tính hưởng chế độ – 2 năm) x 800.000 đồng/năm)]

Trường hợp cán bộ, chiến sĩ quy định nêu trên từ trần sau ngày 15/10/2010 nhưng chưa được hưởng trợ cấp một lần thì một trong những người sau đây: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần được nhận truy lĩnh khoản trợ cấp một lần.

- Cán bộ, chiến sĩ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 41/2023/TT-BCA (trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 41/2023/TT-BCA) từ trần trước ngày 15/10/2010 thì một trong những người sau đây: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần được nhận trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng.

(Điều 5 Thông tư 41/2023/TT-BCA)

2. Hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ trợ cấp

2.1 Hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ trợ cấp

- Công văn đề nghị xét hưởng chế độ trợ cấp (Mẫu số 01) kèm theo danh sách đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp của Công an cấp tỉnh nơi cán bộ, chiến sĩ thường trú (Mẫu số 02);

- Bản khai cá nhân (Mẫu số 03) hoặc bản khai cá nhân dùng cho thân nhân của cán bộ, chiến sĩ (Mẫu số 04); trường hợp ủy quyền thực hiện theo quy định của pháp luật;

- Giấy tờ gốc hoặc được coi là giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan thể hiện thời gian công tác được tính hưởng chế độ (bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan tổ chức cán bộ thuộc Công an đơn vị, địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ có thời gian công tác). Các loại giấy tờ làm căn cứ để xác định thời gian công tác gồm:

Quyết định thôi việc, xuất ngũ; quyết định hoặc giấy tờ có liên quan về việc giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, xuất ngũ; lý lịch cán bộ hoặc lý lịch quân nhân; lý lịch Đảng viên; sổ bảo hiểm xã hội (nếu có);

Giấy tờ liên quan khác như: 

+ Huân chương, Huy chương kháng chiến hoặc giải phóng và các hình thức khen thưởng khác; 

+ Hồ sơ hưởng chính sách người có công; quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật hoặc bản trích lục hồ sơ thương tật; 

+ Giấy chuyển thương, chuyển viện; 

Quyết định tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương; 

+ Giấy gọi nhập ngũ, giấy chiêu sinh vào các trường Công an nhân dân (hoặc các trường Quân đội nhân dân); 

+ Danh sách cán bộ, bản khai, bản kê khai quá trình tham gia cách mạng phục vụ công tác xét khen thưởng của Nhà nước có xác nhận của đơn vị; 

+ Các tài liệu lịch sử khác chứng minh có liên quan đến quá trình công tác của cán bộ, chiến sĩ; 

+ Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử (đối với trưởng hợp từ trần).

- Trường hợp xuất ngũ, thôi việc nhưng thiếu giấy tờ, tài liệu thể hiện toàn bộ thời gian công tác được tính hưởng chế độ thì hồ sơ phải có thêm các giấy tờ sau:

+ Giấy xác nhận thời gian công tác (Mẫu số 07) của Thủ trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) và tương đương trở lên nơi cán bộ, chiến sĩ có thời gian công tác hoặc công tác trước khi thôi việc, xuất ngũ (gửi kẻm các tải liệu, giấy tờ làm căn cứ xác nhận cán bộ, chiến sĩ được thôi việc, xuất ngũ). 

Nếu cơ quan, đơn vị sáp nhập, giải thể thì cơ quan, đơn vị mới được thành lập sau sáp nhập, giải thể xác nhận; đồng thời có thêm xác nhận của 02 người trở lên công tác cùng thời kỳ, giai đoạn (gửi kèm theo hồ sơ, tài liệu làm căn cứ xác định có thời gian công tác cùng cán bộ, chiến sĩ được xác nhận);

+ Biên bản thẩm tra, xác minh (Mẫu số 08) của Công an cấp huyện nơi cán bộ, chiến sĩ thường trú;

+ Biên bản xét duyệt, đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg của Công an cấp tỉnh (Mẫu số 09).

2.2 Hồ sơ hưởng chế độ hằng tháng chuyển đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cán bộ, chiến sĩ thường trú 

Hồ sơ hưởng chế độ hằng tháng chuyển đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cán bộ, chiến sĩ thường trú để thực hiện chế độ, gồm:

- Giấy giới thiệu của Cục Tổ chức cán bộ (Mẫu số 06);

- Quyết định về việc hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng của Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ (Mẫu số 05A);

- Bản khai cá nhân (Mẫu số 03).

(Điều 6 Thông tư 41/2023/TT-BCA)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,084

Bài viết về

lĩnh vực Chính sách người có công

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn