Hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư là gì?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
17/08/2023 09:40 AM

Xin cho tôi hỏi hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư là gì và được quy định như thế nào? - Tiến Phát (Thái Bình)

Hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư là gì?

Hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư là gì? (Hình từ internet)

Ngày 16/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

1. Hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư là gì?

Cụ thể tại Điều 2 Nghị định 61/2023/NĐ-CP quy định hương ước, quy ước là văn bản quy định về các quy phạm xã hội bao gồm các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư bản và quyết định; không trái pháp luật và đạo đức xã hội; nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận.

2. Hình thức hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư

Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 61/2023/NĐ-CP quy định hình thức hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư như sau:

- Hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng thôn (Tổ trưởng tổ dân phố), Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư và 02 (hai) đại diện của các hộ gia đình trong cộng đồng dân cư; khuyến khích đại diện là giả làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Việc lựa chọn tên gọi “Hương ước” hoặc “Quy ước” do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định.

- Hương ước, quy ước có thể được chia thành lời nói đầu, chương, mục, điều, khoản, điểm hoặc kết cấu khác phù hợp với nội dung; được trình bảy ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

- Ngôn ngữ trong hương ước, quy ước là tiếng Việt.

- Trường hợp cộng đồng dân cư có nhiều dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì việc dịch hương ước, quy ước từ tiếng Việt sang tiếng của một, một số hoặc tất cả các dân tộc đó do cộng đồng dân cư quyết định khi soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua theo quy định tại các Điều 8, 9 và 10 Nghị định 61/2023/NĐ-CP.

3. Quy định về công nhận hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư

Theo Điều 11 Nghị định 61/2023/NĐ-CP quy định về công nhận hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước.

- Hương ước, quy ước được công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Phạm vi nội dung, hình thức phù hợp với quy định tại các Điều 5 và 6 Nghị định 61/2023/NĐ-CP;

+ Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại các Điều 4, 7, 8, 9 và 10 Nghị định 61/2023/NĐ-CP.

- Trình tự, thủ tục công nhận hương ước, quy ước thực hiện theo quy định tại các điều 20 và 21 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định sau:

+ Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố gửi hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước tới Ủy ban nhân dân cấp xã chậm nhất sau 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức cuộc họp cộng đồng dân cư thông qua hương ước, quy ước hoặc ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến bằng phiếu;

+ Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước, công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã chủ trì, phối hợp với công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định công nhận trong thời hạn chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị;

Trường hợp cần thiết, công chức Văn hóa - Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì họp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư để xem xét, quyết định công nhận.

Quyết định công nhận hương ước, quy ước thực hiện theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 61/2023/NĐ-CP.

Mẫu số 03

Trường hợp không công nhận hương ước, quy ước thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Hồ sơ đề nghị công nhận hương ước, quy ước bao gồm:

+ Văn bản đề nghị công nhận của Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 61/2023/NĐ-CP;

Mẫu số 01

+ Nghị quyết hoặc biên bản cuộc họp hoặc biên bản lấy ý kiến thông qua hương ước, quy ước theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 61/2023/NĐ-CP;

Mẫu số 02

+ Dự thảo hương ước, quy ước đã được thông qua.

- Hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định công nhận.

Xem thêm Nghị định 61/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/8/2023, Quyết định 22/2018/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 16/8/2023.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,070

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn