Một đơn vị “dịch thuật công chứng”. Ảnh minh họa |
Tách bạch dịch thuật viên và cộng tác viên dịch thuật
Kể từ khi thực hiện xã hội hóa công chứng theo Luật Công chứng, việc chứng thực chữ ký người dịch được giao về cho Phòng Tư pháp. Tuy nhiên, trong đội ngũ cán bộ tư pháp hiện nay, nếu có giỏi thì cũng chỉ có một/vài thứ tiếng và trong giới hạn phạm vi nhất định, còn đa phần là trình độ ngoại ngữ có hạn. Vì thế, họ chứng nhưng có khi cũng không biết bản dịch có đúng với bản chính không, chất lượng bản dịch ra sao.
Ngoài ra, còn có điểm vướng mắc về thẩm quyền chứng thực ở chỗ lãnh đạo Phòng Tư pháp không biết ngoại ngữ nhưng pháp luật quy định “cứng” là bắt họ phải chứng. Theo một vị lãnh đạo Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp), đó là chuyện một số công ty dịch thuật hoặc các trung tâm ngoại ngữ của trường đại học chuyên ngành lớn - nơi có những giáo sư, tiến sỹ hàng đầu về ngoại ngữ - dịch theo yêu cầu của công dân, bản dịch có chất lượng nhưng vẫn phải đem tới Phòng Tư pháp chứng thực chữ ký (trong khi lãnh đạo Phòng Tư pháp lại không biết ngoại ngữ) thì mới có giá trị pháp lý.
Do đó, để khắc phục tình trạng trên, hướng tới chuẩn hóa và tạo cơ sở pháp lý hình thành đội ngũ dịch thuật chuyên nghiệp, Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn để được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch thuật. Cụ thể là phải có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên tại nước ngoài đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch và đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch. Đối với những người không có bằng cấp nhưng thông thạo thứ tiếng cần dịch và đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch thì có thể được xem xét để cấp Chứng chỉ dịch thuật viên.
Cơ bản tán thành với quy định này, nhưng Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cho rằng, cần phải nghiên cứu có tiêu chuẩn riêng cho dịch thuật viên và cộng tác viên dịch thuật bởi nếu chỉ có tiêu chuẩn cho dịch thuật viên thì sẽ lẫn lộn giữa người dịch chuyên nghiệp (chỉ hoạt động nghề nghiệp dịch thuật) và người dịch nghiệp dư (làm thêm ngoài giờ). Hơn nữa, việc không có tiêu chuẩn cho cộng tác viên dịch thuật là sẽ lãng phí nguồn lực vốn tương đối đông đảo đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Phải qua sát hạch hay chỉ cần đăng ký hồ sơ?
Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Nghị định vừa nêu ở trên là người dịch sẽ phải trải qua kỳ thi sát hạch thì mới được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch thuật. Theo Dự thảo Nghị định, Hội đồng sát hạch có thể do Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp thành lập để kiểm tra trình độ của người dịch nhưng việc cấp Chứng chỉ, lập và quản lý danh sách những người được cấp Chứng chỉ thì thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng quy định một số trường hợp được miễn kiểm tra sát hạch, bao gồm người đang là giảng viên ngoại ngữ của một trường đại học, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành ngoại ngữ, tiến sỹ ngoại ngữ
Về vấn đề này, cũng theo Thứ trưởng Lê Hồng Sơn, nếu cấp Chứng chỉ (cho dịch thuật viên) thì việc thành lập Hội đồng sát hạch là cần thiết nhưng đối với cộng tác viên dịch thuật, nên chăng chỉ yêu cầu họ đăng ký hồ sơ để cấp Thẻ cộng tác viên (tương tự nhiều lĩnh vực khác như cộng tác viên trợ giúp pháp lý, cộng tác viên tư vấn pháp luật…), không cứng nhắc phải trải qua kỳ thi sát hạch.
Đồng thời, Thứ trưởng còn đề xuất một phương án đơn giản hơn là tất cả những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định chỉ cần làm hồ sơ đăng ký để đưa vào danh sách người dịch, danh sách này được Bộ Tư pháp công nhận tính pháp lý và công bố trên Trang thông tin của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và được niêm yết tại các Phòng Tư pháp.
Thục Quyên