14/06/2012 09:43 AM

Hôm qua – 13/6, phối hợp với Viện KAS tại Việt Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường (KTTT) tại Việt Nam”.

Đây được coi là diễn đàn tham vấn ý kiến và kinh nghiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà thực tiễn về những luận cứ thuyết phục cho một trong 4 định hướng cơ bản của Dự án BLHS (sửa đổi) lần này là bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền KTTT định hướng XHCN.

Ý kiến chuyên gia tại Hội thảo đề xuất nâng cao mức  phạt tiền đối với người phạm tội
Ý kiến chuyên gia tại Hội thảo đề xuất nâng cao mức phạt tiền đối với người phạm tội

Phòng chống những hành vi nguy hiểm cho xã hội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn khẳng định, BLHS năm 1999 đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm được ban hành, tình hình đất nước đã thay đổi lớn về mọi mặt, nhất là nền kinh tế của nước ta có những bước tiến quan trọng, mô hình KTTT định hướng XHCN đang phát triển theo chiều sâu.

“Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện BLHS hiện hành là hết sức cần thiết nhằm tạo ra một BLHS của thời kỳ mới, là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước” – Thứ trưởng Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Có thể nói, mặc dù BLHS mới được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2009 nhưng nhìn chung nhiều chuyên gia cho rằng, nó chưa phản ánh được đầy đủ, toàn diện các quy luật của nền KTTT. Một số quy định của BLHS tỏ ra không còn phù hợp, nhiều tội phạm mới phát sinh chưa được kịp thời bổ sung hoặc tuy đã được bổ sung nhưng chưa đầy đủ, gây cản trở không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Hơn nữa, sau hơn 20 năm đổi mới, những mặt trái của nền KTTT đang ngày càng lộ rõ, đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ, đấu tranh kiên quyết, mạnh mẽ, trong đó có biện pháp hoàn thiện pháp luật hình sự.

Tăng mức phạt tiền lên tới 20 tỷ?

Trong nền KTTT định hướng XHCN, bên cạnh các tội phạm có tính chất truyền thống, nhiều tội phạm được thực hiện mà chủ thể chỉ nhắm tới mục đích kinh tế như tội phạm rửa tiền, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, buôn bán hàng cấm…

Trong khi đó, BLHS hiện hành dù đã xây dựng một hệ thống hình phạt bao gồm hình phạt chính (hình phạt tù, hình phạt tiền), hình phạt bổ sung (tịch thu tài sản, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính) và các biện pháp tư pháp (tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm), nhưng điều kiện để áp dụng hình phạt tiền còn hạn chế, số lượng tiền phạt chưa tương xứng với hành vi, đặc biệt là cơ chế áp dụng chưa thật sự linh hoạt

Bởi thế, TS. Trần Văn Dũng (Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính, Bộ Tư pháp) kiến nghị: Cần mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt có tính chất kinh tế như hình  phạt tiền, tịch thu tài sản, nhất là các tội mà chủ thể chỉ hướng tới lợi ích kinh tế, đồng thời tăng mức hình phạt tiền cao hơn hiện nay nhằm tăng khả năng răn đe và trượt tiêu khả năng tái phạm của người phạm tội.

Mặt khác, cũng theo ông Dũng, cần thiết lập cơ chế cho phép Tòa án áp dụng đối với người bị tuyên hình phạt tiền có thể chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù như quy định của một số nước nhằm hạn chế khả năng chây ỳ không chấp hành hình phạt tiền.

Tán thành với ý kiến tăng mức phạt tiền lên cao, PGS.TS. Dương Tuyết Miên (Trường Đại học Luật Hà Nội) phân tích, việc nâng mức khởi điểm của phạt tiền sẽ bảo đảm cho hình phạt này có đủ sức mạnh cưỡng chế đối với người phạm tội, làm cho người phạm tội thức tỉnh và thấy được sự nghiêm minh của luật pháp, thấy được sai trái của hành vi phạm tội.

Cụ thể, với tính chất là hình phạt chính, phạt tiền nên có mức khởi điểm là 20 triệu đồng, mức tối đa là 20 tỷ đồng; với tính chất là hình phạt bổ sung, tương ứng là 10 triệu đồng và 200 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Miên cho rằng không cần thiết phải xây dựng thêm quy định về việc chuyển đổi từ phạt tiền sang phạt tù mà chỉ cần áp tội “Không chấp hành án” đối với người bị kết án phạt tiền chây ỳ nộp phạt…

Thục Quyên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,164

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]