Quy định về thực hiện công chứng đối với người không biết chữ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thùy Liên
02/09/2020 09:00 AM

Hiện nay, Luật Công chứng 2014 quy định người không biết chữ, không thể ký tên vẫn có thể thực hiện được việc công chứng nếu có nhu cầu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo đó, người không biết chữ có thể thực hiện công chức theo hình thức sau:

- Người yêu cầu công chứng là người không biết chữ, không thể thực hiện việc ký tên khi công chứng, chứng thực thì có thể thay bằng việc điểm chỉ vào văn bản công chứng, cụ thể:

+ Việc điểm chỉ được thay thế việc ký khi người yêu cầu công chứng không biết ký.

+ Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái. Trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

+ Người yêu cầu công chứng phải điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.

- Ngoài ra, nếu người yêu cầu công chứng là người không điểm chỉ được, không đọc được, không nghe được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì có thể thực hiện việc công chứng với sự có mặt của người làm chứng, trong đó:

Người làm chứng được phải có đủ điều kiện sau:

+ Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.

+ Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.

Bên cạnh quy định dành riêng cho một số đối tượng đặc biệt nêu trên, cá nhân khi thực hiện công chứng phải đảm bảo các quy định sau: 

1. Điều kiện thực hiện công chứng:

Người yêu cầu công chứng là cá nhân có đủ điều kiện gồm: 

- Người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự.

- Người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.

2. Thời hạn thực hiện công chứng:

- Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc. Đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

- Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng. Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng.

3. Địa điểm thực hiện công chứng:

- Việc công chứng được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

- Trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Thùy Liên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 26,094

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn