04 Nghị định mới có hiệu lực trong dịp nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019

01/02/2019 08:18 AM

Trong dịp nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019 (từ ngày 01 – 10/02/2019), nhiều Nghị định mới bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó, có những điểm nổi bật sau đây:

File Word 04 Nghị định có hiệu lực trong dịp nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019

1. Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử

Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (có hiệu lực thi hành kể  từ ngày 10/02/2019), trong đó, quy định về giá trị pháp lý của chứng từ điện tử.

Theo Nghị định 165/2018, chứng từ điện tử phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.

Hình thức thể hiện, việc khởi tạo, gửi, nhận chứng từ điện tử và giá trị pháp lý của chứng từ điện tử được thực hiện theo Luật Giao dịch điện tử.

Chứng từ điện tử

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Chứng từ điện tử có giá trị là bản gốc khi được thực hiện một trong các biện pháp sau:

- Chứng từ điện tử được ký số bởi cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm có liên quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Hệ thống thông tin có biện pháp bảo đảm toàn vẹn chứng từ điện tử trong quá trình truyền gửi, nhận, lưu trữ trên hệ thống; ghi nhận cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã khởi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan đã tham gia xử lý chứng từ điện tử.

- Biện pháp khác mà các bên tham gia giao dịch thống nhất lựa chọn, bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, tính xác thực, tính chống chối bỏ, phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử.

Chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy có giá trị như chứng từ giấy, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

2. Sửa đổi một số quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Từ ngày 01/02/2019, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực thi hành và thay thế cho Nghị định 90/2011/NĐ-CP. Theo đó, có một số điểm mới nổi bật sau đây:

- Giải thích rõ nhiều thuật ngữ mới, như là: Mua lại trái phiếu trước hạn; Trái phiếu doanh nghiệp xanh; Ngày hoàn thành đợt phát hành trái phiếu;...

- Đối với trái phiếu không chuyển đổi, không yêu cầu “kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi theo báo cáo tài chính”.

- Về mệnh giá trái phiếu, bổ sung quy định về mệnh giá của trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế được thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.

- Bỏ quy định tổ chức của Việt Nam không được sử dụng kinh phí của ngân sách nhà nước để mua trái phiếu.

- Trong thời hạn một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trái phiếu chuyển đổi, chứng quyền phát hành kèm theo trái phiếu được chuyển nhượng theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng

Theo Nghị định 164/2018/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2019), việc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội;

- Huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

- Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hoạt động quốc phòng với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; xác định rõ mục tiêu trước mắt và lâu dài;

- Hoạt động kết hợp phải được thực hiện trong cả quá trình từ giai đoạn lập, thẩm định đến triển khai thực hiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong từng công trình, từng dự án phát triển kinh tế - xã hội theo vùng, lãnh thổ;

- Trong tất cả các ngành, lĩnh vực nền kinh tế quốc dân của bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan;

- Xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.

Thủ tướng phê duyệt kế hoạch tổng thể về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh.

4. Phân loại các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

Từ ngày 10/02/2019, Nghị định 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (sau đây gọi tắt là vùng hạn chế) được phân loại bao gồm các vùng: Vùng hạn chế 1; Vùng hạn chế 2; Vùng hạn chế 3; Vùng hạn chế 4; Vùng hạn chế hỗn hợp.

Mỗi vùng hạn chế quy định nêu trên bao gồm một hoặc một số khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất (sau đây gọi tắt là khu vực hạn chế) quy định tại khoản 4 Điều 52 của Luật tài nguyên nước.

Đối với các vùng hạn chế đã được phê duyệt trước ngày 10/02/2019 mà phù hợp với quy định của Nghị định 167/2018 thì tiếp tục thực hiện; trường hợp không phù hợp thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với quy định của Nghị định 167/2018 trước ngày 31/12/2020.

Các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện hoặc đang thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà đến ngày 10/02/2019 vẫn chưa hoàn thành thì tiếp tục thực hiện.

Châu Thanh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,474

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]