04/01/2012 10:36 AM

(Đất Việt) Theo TS Vũ Trọng Tích, nếu như phí lưu hành xe cá nhân và phí lưu thông giờ cao điểm nhằm hạn chế xe cá nhân và giảm kẹt xe thì đây mục tiêu xa rời thực tế.

TS Vũ Trọng Tích (ĐH GTVT Hà Nội) đưa ra câu hỏi này trước đề xuất của Bộ GTVT về việc thu thêm “Phí lưu hành phiên tiện giao thông cá nhân đường bộ”. Trong đó, ô tô sẽ phải đóng từ 20 – 50 triệu đồng/năm. Mô tô, xe gắn máy tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ phải đóng 500.000 đồng (dung tích dưới 175cc) và 1 triệu đồng/năm (trên 175cc).

Theo TS Tích, nếu như phí lưu hành xe cá nhân và phí lưu thông giờ cao điểm nhằm hạn chế xe cá nhân và giảm kẹt xe thì đây mục tiêu xa rời thực tế.

Bài học từ dừng đăng ký xe máy

Không thể phủ nhận, phương tiện giao thông cá nhân góp phần trầm trọng hơn tình trạng ùn tắc. Nhưng nếu không đi xe máy, người dân biết đi bằng gì, nếu không là đi bộ và xe đạp?, ông Tích đặt câu hỏi. Lấy ví dụ từ Hà Nội, là Thủ đô của VN song giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng được dưới 10% nhu cầu đi lại của người dân. Theo Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng mà UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt thì đến 2020 xe buýt cũng mới đáp ứng được 25% nhu cầu. Khi thủ đô mở rộng đến 3.344 km2, chạy từ đầu này sang đầu kia thành phố mất tới 50 - 60 km mà chỉ vỏn vẹn có 34 tuyến xe buýt. Dự kiến đến 2015 sẽ nâng lên 91 tuyến, nhưng không biết có làm được hay không.


Để hạn chế phương tiện cá nhân, năm 2003, thành phố Hà Nội đã thực hiện việc dừng đăng ký xe máy ở 4 quận nội thành, tiến tới dừng đăng ký ở tất cả các quận, huyện. Thực tế, người dân vẫn phải có nhu cầu đi lại, có nhu cầu thay xe mới. Thế là tại các điểm đăng ký xe lập tức đông nghìn nghịt người dân các huyện Đông Anh, Sóc Sơn xuống đăng ký xe. Nhưng không phải họ có nhiều tiền mua xe mới mà là họ đi đăng ký thuê cho chủ xe trong nội thành. Giá mỗi giấy đăng ký xe lúc đầu là 2 triệu đồng, sau tăng lên 3 - 4 triệu đồng... Và từ đó, hình thành một đội ngũ “cò” chuyên tìm người dân nông thôn đi đăng ký xe thuê. Kèm theo đó là không biết bao hệ lụy về sở hữu tài sản cá nhân, giao dịch múa bán… Cuối cùng Hà Nội phải bỏ biện pháp này.

Chưa sẵn sàng bỏ xe cá nhân

PGS-TS.Doãn Minh Tâm (Viện KH&CN GTVT), người tham gia nhiều nghiên cứu về chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội, nhắc lại một thông tin không hề mới: Mỗi năm, tăng thêm 10 – 12% phương tiện giao thông cá nhân bên cạnh 400.000 ô-tô, gần 4 triệu xe máy và 1 triệu xe đạp hiện tại. Đổi lại, thành phố chỉ có 4.000 km đường, chiếm 6 – 7% diện tích thành phố. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn, diện tích dành cho giao thông phải chiếm tối thiểu 20%. Vì thế, ách tắc là điều không tránh khỏi. Trong nhiều năm qua, các địa phương đã liên tục đề xuất các giải pháp chống ùn tắc giao thông (Hà Nội 13 biện pháp, TP.HCM 9 biện pháp). Một trong những biện pháp dễ cho chính quyền, nhưng khó cho người dân là hạn chế xe cá nhân, như: ngừng đăng ký xe mới, tăng phí trước bạ, áp dụng biển số chẵn/lẻ lưu thông theo ngày chẵn/lẻ… Đồng thời hàng loạt giải pháp ưu tiên cho xe buýt như trợ giá, tăng tuyến, tăng chuyến. “Các giải pháp đó dường như chỉ có tác dụng… làm nóng dư luận rồi lại rơi vào im lặng”, TS Tâm nhận xét.

Theo ông, lý do là các giải pháp đưa ra trong khi khâu chuẩn bị điều kiện cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ, chưa sẵn sàng. Người dân không tìm thấy sự thuận tiện của các phương tiện khác nên chưa sẵn sàng từ bỏ phương tiện đi lại cá nhân. Cho nên dù có phát động các chiến dịch vận động đi lại bằng xe buýt như phát vé miễn phí, giảm giá vé thì cũng không đạt hiệu quả. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường năng lực vận tải công cộng và Đề án phương tiện hạn chế phương tiện cá nhân thì việc tổ chức lại giao thông vẫn tỏ ra dễ áp dụng nhất.

Đề xuất thu phí lưu hành từ 500.000 – 1 triệu đồng/năm đối với mô tô, xe máy làm nhiều người băn khoăn. Nhiều bạn đọc đã gởi thư, e-mail về Đất Việt bày tỏ quan điểm…

Thắt lưng buộc bụng nhiều rồi

Giải pháp thu phí 500.000 đồng/năm đối với xe máy là không hợp lý và thiếu thuyết phục. Cần cân nhắc quan tâm đến người thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng khi đưa ra các khoản thu mới. Họ đã gánh rất nhiều những khoản chi phí chỉ với đồng lương ít ỏi trong bối cảnh lạm phát đã phải thắt lưng, buộc bụng nhiều rồi. Điện tăng, xăng tăng, lạm phát tăng, lương không tăng... nay phải chi thêm khoản phí xe máy. Với mức thu trên, người dân vẫn không chuyển sang dùng các phương tiện giao thông công cộng khi chất lượng quá tồi như hiện nay (giờ giấc không ổn định, thiếu an toàn, dịch vụ kém...). Người mua xe đã đóng đủ các loại tiền thuế ở mức cao, mua nhiên liệu giá cao, giờ phải đóng thêm phí lưu hành. Đừng để chúng tôi phải nghĩ rằng những thất thoát trong xây dựng và quản lý cầu đường đang được bù đắp bằng các loại phí thu như thế này. Lê Thị Thủy (Đà Nẵng)

Bớt ăn nhưng không thể dừng đi

Đề xuất này rõ ràng không hiệu quả, thể hiện sự vội vàng và cái nhìn kém của các nhà quản lý. Bởi dù có bị thu phí, dù phải nhịn ăn, bớt chi tiêu để nộp phí thì nhu cầu đi lại của người dân không thể dừng được. Liệu kẹt xe có được cải thiện, trong khi gánh nặng lại chất thêm lên vai của người dân? Một điều nhận thấy là các cơ quan chức năng vẫn loay hoay vô ích khi mà vẫn bỏ qua nguyên nhân chính là: quy hoạch thiếu khoa học, tận dụng tối đa mật độ xây dựng vì lợi ích trước mắt… Những vấn đề cần làm như giãn dân số vào trung tâm thành phố, di dời trường đại học, các khu công nghiệp ra xa trung tâm, quy hoạch bệnh viện, khu hành chánh nằm rải đều trên khắp thành phố thay vì quá tập trung… có lẽ cần được quan tâm nghiên cứu sẽ mang lại hiệu quả hơn. danviet…@gmail.com

Thu có đủ bù chi?

Tôi không biết khi làm tờ trình thu phí xe máy, Bộ GTVT đã tính toán nước ta có bao nhiêu xe, nếu thu thì được bao nhiêu tiền, thu bằng cách nào, chi phí cho hành thu là bao nhiêu, số tiền còn lại là bao nhiêu, cách chi phí và quản lý, giải quyết được việc gì với số tiền này?... Nếu có tính toán, xin thông báo cho dân được rõ, để mọi người cùng thực hiện và giám sát, theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nếu cứ tù mù thì tiền dân cứ thu nhưng chẳng làm được việc gì có ích. Hãy dành thời gian, đừng vội vã để rồi lại “đẽo cày giữa đường” như bao quyết định, nghị định khác đã được đưa ra thực tế 1 cách thiếu khoa học…Thanh Minh (TP. HCM)

Cũng đáng để hy sinh

Theo mức phí Bộ GTVT đưa ra, tính ở mức tối thiểu, Hà Nội có 400.000 ô tô x 20 triệu đồng = 8.000 tỷ đồng; 4 triệu xe máy x 500.000 đồng = 2.000 tỷ đồng. Vị chi, tối thiếu mỗi năm Hà Nội cũng thu được 10.000 tỷ đồng. Một số tiền lớn, đáng để suy nghĩ, nếu như Bộ GTVT có thể cam kết sử dụng số tiền này hợp lý để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông, có một lộ trình cụ thể thì sau bao nhiêu năm sẽ hết ùn tắc, giao thông đô thị sẽ có một diện mạo mới? Nếu Bộ làm được điều này thì cũng đáng để người dân hy sinh. Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,193

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn