17/12/2011 16:50 PM

- Bàn dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sáng nay (16/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng luật cần điều chỉnh rộng diện tích nước biển có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta.

Phạm vi điều chỉnh của dự luật hiện gồm quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và nước biển ven bờ. Theo đó, nước biển ven bờ là nước biển ở vùng vịnh, cảng và những nơi cách bờ trong vòng 5,55 km (3 hải lý).

Nguồn nước là nguyên nhân gây nhiều mâu thuẫn, việc khai thác nguồn nước sông Mekong là một ví dụ. Ảnh minh họa: thiennhien.net

Cả Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đều băn khoăn khi dự thảo luật chưa giải thích rõ lý do tại sao chỉ là 3 hải lý.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Văn Đức giải trình rằng luật này phải phù hợp với các luật liên quan sẽ có trong tương lai như Luật Tài nguyên môi trường biển và Luật Biển. Nước biển nói chung sẽ được điều chỉnh ở các luật trên. Luật Tài nguyên nước chỉ là luật chuyên ngành, chỉ điều chỉnh 3 hải lý theo quy chuẩn nước ven bờ Việt Nam.

Ông Lý không thấy thuyết phục: "Gọi Luật Tài nguyên nước mà chỉ có nước ở đất liền là không được, trong khi lãnh thổ nước ta chỉ có một phần đất liền còn ¾ là biển. Nếu luật này chỉ có đất liền sẽ gây thiệt hại rất lớn, vì tài nguyên nước của chúng ta sau này chủ yếu là nước trên biển".

"Chục năm nữa sẽ thấy tranh chấp nước trên biển rất lớn mà không quy định vào luật thì không ổn", ông Lý cảnh báo. Theo ông, quy định đầy đủ cũng là phù hợp với chiến lược phát triển biển của Trung ương.

Theo Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, như vậy cũng sẽ bảo đảm từ việc bảo vệ chủ quyền đến các điều kiện khi đàm phán với các nước.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng nếu chỉ "khoanh" 3 hải lý, "sau này xử lý các vấn đề khác liên quan đến cho thuê, khai thác, sử dụng sẽ rất phức tạp".

Ông Lưu nhắc ban soạn thảo tham khảo thêm các nhà khoa học chuyên ngành cũng như luật pháp quốc tế. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình, bổ sung thêm yêu cầu làm việc chặt chẽ với cơ quan về biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan để lường trước cả những trường hợp tranh chấp.

Cũng nhắc đến vấn đề tranh chấp, ông Phan Xuân Dũng đề nghị quy định chặt chẽ thêm về hợp tác quốc tế vì nguồn nước là nguyên nhân gây nhiều mâu thuẫn, mà việc khai thác nguồn nước sông Mekong thời gian gần đây là một ví dụ.

Dự luật này đã được các đại biểu QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 vừa qua. Đa số thành viên UBTVQH đồng tình rằng do còn nhiều điểm chưa thỏa đáng, dự luật này nên được xem xét cho ý kiến thêm ở ít nhất một kỳ họp nữa.

Chung Hoàng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,162

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]